3. THỂ THƠ, NGÔN TỪ VÀ GIỌNG ĐIỆU
3.1. Đặc điểm sử dụng thể thơ
Thể thơ là một trong những yếu tố quan trọng của hình thức thơ nhằm hướng tới việc biểu đạt cao nhất nội dung. Xã hội loài người càng phát triển, nhu cầu phản ánh đời sống và bộc lộ tình cảm càng cao thì các thể thơ càng đa dạng. Tuy nhiên, sự lựa chọn một thể thơ nào đó là thể hiện một góc nhìn, một trường quan sát, một quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ đối với cuộc sống. Qua tìm hiểu thơ Quang Dũng chúng tôi nhận thấy những đặc điểm sau đây về mặt thể thơ:
3.1.1. Sử dụng linh hoạt các thể thơ và đóng góp ở thể bảy tiếng
Quang Dũng là người chịu ảnh hưởng khá sâu của Thơ mới nhưng về mặt thể loại thơ ông không phải là sự lặp lại của Thơ mới mà có những sáng tạo nhất định.
Cũng như nhiều nhà thơ khác thời kháng chiến, sáng tác của Quang Dũng đa dạng về thể loại. Tùy thuộc vào tâm trạng, cảm hứng hay sự tác động của hiện thực khách quan mà ông có cách sử dụng thể thơ khác nhau. Qua khảo sát 47 bài, chúng tôi nhận thấy thơ Quang Dũng có các thể: bốn tiếng (2/47 bài, tỉ lệ 4,2%), năm tiếng (4/47 bài, tỉ lệ 8,5%), lục bát (2 bài, tỉ lệ 4,2%), bảy tiếng (17 bài, tỉ lệ 36,2%), tự do (17 bài, tỉ lệ 36,2%), hợp thể (5 bài, tỉ lệ 10,7%). Sự lựa chọn mỗi thể thơ cũng như tần suất sử dụng các thể trong thơ Quang Dũng không hoàn toàn có tính ngẫu nhiên mà nó còn gắn với quan niệm thẩm mĩ và cảm nhận riêng của nhà thơ về thể loại.
Thể thơ bốn tiếng có tính chất ngắn gọn (chỉ bốn âm tiết trên đơn vị một câu thơ), nhịp điệu nhanh và khỏe khoắn. Vì thế, nó được Quang Dũng sử dụng phù hợp cho việc miêu tả những tình cảm nhẹ nhàng, trong trẻo (Tiết xôi mới trên đường đi khai hoang, Bắt tép kho cà). Thơ kháng chiến có những bài bốn tiếng rất dễ đi vào lòng người: Lượm (Tố Hữu), Gặt lúa xuân (Nguyễn Hà), Đàn trâu Nghệ (Nghiêm Đa Văn), Hạt gạo làng ta và Thả diều (Trần Đăng Khoa). Thơ bốn tiếng Quang Dũng có giọng điệu vui tươi. Thường thì đó là bức tranh quê sinh động, có màu sắc tươi tắn. Tiết xôi mới trên đường đi khai hoang miêu tả niềm vui của con người trên con đường xây dựng quê hương:
“Anh đi khai hoang
Thêm những tên làng
Thêm đồng lúa chín
Mai thành quê hương”
Thơ bốn tiếng cũng phù hợp với việc miêu tả cảnh sắc nông thôn. Viết về nội dung này, Quang Dũng tỏ ra rất có sở trường. Nhiều câu thơ bốn tiếng đọc lên thật gợi:
“Đường thôn rạ vàng
Ngậy mùi cơm mới
Tháng mười quê ta
Gạo mùa chim ngói”
(Tiết xôi mới trên đường đi khai hoang)
Hay những câu thơ miêu tả cảnh sắc nông thôn vùng trung du
“Róc rách suối len
Cuộn tròn trong vắt
Sắn nương thơm thơm
Cầu thang ai hát...”
(Bắt tép kho cà)
Ở một số bài thơ tự do, Quang Dũng cũng có những câu bốn tiếng mềm mại, gợi cảm, rất có “hồn”:
“Sông ơi! Dài sao
Rộng ơi! Biển cả
Thôi em nước mắt
Đừng rơi lã chã...”
(Không đề)
Có thể thấy trên mặt bằng chung thơ Quang Dũng, thể bốn tiếng được ông sáng tác không nhiều. Nhưng Quang Dũng đã biết cách sử dụng thật tinh, thật hợp lý, nhờ đó phát huy hết được khả năng biểu cảm của câu thơ bốn tiếng, làm cho thể thơ này trở nên chắt lọc, tinh tế.
Thể năm tiếng là thể thơ vốn có trong truyền thống thơ ca dân gian (các loại vè, đồng dao, hát dặm Nghệ Tĩnh). Câu thơ của thể này gồm năm âm tiết, ngắn gọn, có khả năng diễn tả linh hoạt cảm xúc của người viết. Nhưng nó phù hợp hơn với giọng thơ vui tươi, tình cảm đầm ấm, dịu dàng (Thăm lúa - Trần Hữu Thung, Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui). Dùng thể năm tiếng để bộc lộ tình cảm buồn thương, bâng khuâng, lưu luyến là đặc điểm của thơ Quang Dũng. Trong Lính râu ria, nỗi buồn nhớ vợ, thương con được tỏa ra từ tâm sự của người lính đã gây xúc động bao thế hệ bạn đọc:
“Vợ anh giờ này đâu
Anh mỉm cười rười rượi”
Đến Chiều núi mưa rào, nỗi buồn ấy càng mênh mông da diết hơn. Bức tranh phong cảnh được nhuốm lên tâm sự của tác giả trở nên ảm đạm đến độ thê lương:
“Đồi sắn ướt sững lá
Gà ướt cánh nép hiên
Chim xào xạc trốn biệt
Mưa giăng màn triền miên”
Về giọng thơ, thể năm chữ của Quang Dũng sử dụng giọng kể (Đêm Bạch Hạc, Trông bạn) và giọng tả (Chiều núi mưa rào), có khi kết hợp cả kể và tả trong cùng một bài thơ (Lính râu ria). Thể thơ lục bát chiếm một vị trí quan trọng trong các thể thơ truyền thống của dân tộc. Thơ lục bát giàu nhạc điệu, uyển chuyển nên dễ chuyên chở những tình cảm sâu lắng, mượt mà. Quang Dũng dùng thể thơ này để miêu tả nỗi nhớ quê hương da diết của mình:
“Trưa hè bỗng nhớ sông quê
Nước xa không bóng, thuyền đi đôi dòng
Thóc nhà ai có phơi không
Chói chang lửa thóc, sân trông bóng người”
(Trưa hè)
Bài thơ có giọng điệu nhẹ nhàng mà tha thiết, cách sử dụng thanh điệu, cách gieo vần khá chuẩn (dùng vần bằng 100%, gieo vần chân ở câu 6 - 8 , vần lưng ở câu 8, nhịp thơ đều đặn), chứng tỏ Quang Dũng sử dụng nhuần nhuyễn thể lục bát.
Thể lục bát gắn bó với nền văn hóa dân gian nên thích hợp cho việc miêu tả tình cảm của đại chúng, tiếng nói của nhân dân. Nó cũng phù hợp với yêu cầu dân tộc hóa, đại chúng hóa của văn nghệ nước ta thời kì này. Theo xu thế đó, Quang Dũng có bài Giấc mơ của Bạch. Bài thơ viết về giấc mơ trở về thăm nhà sau chiến thắng của một chàng vệ quốc quân. Cảnh anh lính tên “Bạch” về thăm quê thật vui tươi:
“Bạch ta khấp khởi ruột gan
Hai chân chưa đủ còn toan chạy liều
Phép đi từ sáng đến chiều
Mai về Hà Nội còn nhiều việc ghê...”
Bài thơ có cách dùng từ tự nhiên với nhiều khẩu ngữ, từ gọi đáp, từ địa phương và các cách nói dân giã. Giọng điệu của bài thơ hóm hỉnh với nhiều chi tiết sinh động. Chẳng hạn hình ảnh người mẹ mừng con đi đánh giặc trở về:
“Bà đang ruộm nốt tấm sồi
Mừng con chạy vỡ cả nồi nước nâu”
Tuy nhiên, ép mình theo tiếng nói quần chúng cũng có nghĩa là Quang Dũng xa rời bản sắc của cái tôi đã làm nên tên tuổi của ông trong thơ kháng chiến. Vì thế bài thơ dài (74 câu) nhưng chất lượng nghệ thuật không cao, nhiều lúc sa vào kiểu “vè” hơn là “thơ”. Việc dùng từ ngữ mộc mạc, dân giã nhiều khi làm đánh mất chất thơ (Ví dụ: Hĩm con đã nhớn / Sao mày nhìn tao?). Thêm nữa, cái “tạng” người của ông không hợp lắm với thể thơ này. Ông vốn xuất thân từ gia đình tiểu thương, lại có tính cách hào hoa, phóng túng nên thể lục bát khó có chỗ đứng trong ngôi nhà thơ ông.
Thể bảy tiếng hình thành trên cơ sở thơ thất ngôn Đường luật nhưng đã có nhiều cách tân ở các mặt thanh điệu, vần, nhịp. Trong phong trào Thơ mới, nhiều nhà thơ đã sử dụng thành công thể bảy tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Thâm Tâm, Hàn Mặc Tử... Sau Cách mạng, câu thơ bảy tiếng tuy không còn được trọng dụng nữa nhưng vẫn phát huy được vai trò trong việc thể hiện những cảm xúc đa dạng của cuộc kháng chiến. Nhiều nhà thơ tiếp tục có sự thành công ở thể này như Tố Hữu với Bác ơi, Mẹ Tơm, Quê mẹ, Theo chân Bác, Xuân Diệu với Phan Hành Sơn, Phạm Tiến Duật với Bài thơ về tiểu đội xe không kính... Quang Dũng sử dụng thể bảy tiếng khá nhiều và chính ở thể thơ này ông đã có những đóng góp mới mẻ. Ngoài 17/ 47 bài bảy tiếng (tỉ lệ 36,2%), ông còn có 4 bài xen kẽ giữa thể bảy tiếng và thể năm tiếng. Câu thơ bảy tiếng của Quang Dũng có giọng điệu cổ kính, trang nghiêm với những tình cảm thiêng liêng và xúc động về cuộc sống và con người:
“Ba chục năm tròn hai cuộc thắng
Trăng nay, diều lại sáo lưng trời
Sài Sơn bóng núi soi mương sáng
Đồng ta Bương Cấn mãi xinh tươi”
(Nhớ một bóng núi)
Hầu hết các bài bảy tiếng của Quang Dũng đều chia khổ, mỗi khổ thường là bốn câu đều đặn. Cách ngắt nhịp phổ biến là nhịp 4/3 hoặc 2/2/3, gần với cách ngắt nhịp trong thơ thất ngôn cổ điển. Điều đó cho thấy dấu ấn truyền thống trong thơ bảy tiếng Quang Dũng còn tương đối rõ nét.
Dù vậy, những bài thơ bảy tiếng của Quang Dũng vẫn khẳng định được vị trí xứng đáng trong thơ kháng chiến, đặc biệt là thơ chống Pháp. Có được điều đó là bởi chúng mang hai đặc điểm lớn về mặt thể loại, đó là dấu ấn của thể thơ hành và chất trường ca đậm nét. Hai bài thơ Tây Tiến (1948) và Những làng đi qua (1947) có thể coi là những bài trường ca đầu tiên của thơ kháng chiến. Chất trường ca của chúng không chỉ nằm ở dung lượng tác phẩm khá lớn (Tây Tiến 34 câu, Những làng đi qua 71 câu) mà còn ở khả năng chiếm lĩnh và tái hiện những mặt bản chất của đời sống, những tình cảm tiêu biểu của thời đại. Đề tài thơ mang tính chất lớn lao, là tiếng nói của cả cộng đồng, mà trên hết là tiếng lòng của người lính trước những thử thách quyết liệt: tổ quốc còn hay là mất, độc lập tự do hay nô lệ, ngục tù. Nhà thơ sử dụng bút pháp lãng mạn và bi tráng để dựng lên những hình tượng thơ kì vĩ là những đoàn quân trùng điệp ra trận hay người lính với tầm vóc lớn lao. Cảm hứng của nhà thơ cũng là cảm hứng ca ngợi mang đậm chất anh hùng ca... Không chỉ ở Tây Tiến và Những làng đi qua, nhiều bài thơ bảy tiếng sau đó của Quang Dũng vẫn giữ được giọng thơ “tráng ca” như vậy. Chẳng hạn, ở Pha Đin có những hình ảnh thơ ấn tượng:
“Đâu đây đứt xích pháo kêu giòn
Liệt sĩ tên còn xanh núi non
Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt
Mà như lau sậy có linh hồn”
Bốn câu thơ mà có hai nét vẽ đối lập. Một nét vẽ mạnh mẽ, phóng khoáng, đặc quánh các sự kiện tiêu biểu của thời đại, một nét mềm mại, bay bổng. Cảm hứng ngợi ca của tác giả đã ghi tạc hình ảnh người liệt sĩ vào gió, mây, núi, lau sậy, vào thiên nhiên vĩnh hằng của đất nước.
Bên cạnh đó, thể thơ bảy tiếng của Quang Dũng còn mang dấu ấn thể hành cổ điển. Tác giả Trần Mạnh Hảo nhận xét: “Thể hành trong thơ vốn đã cổ từ xưa bên Trung Quốc và được truyền sang nước ta từ khá lâu. “Tống biệt hành” của Thâm Tâm và “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính mặc dù rất là hay nhưng hình như không khí của hai bài thơ trên vẫn còn óc ách tiếng sóng tiễn Kinh Kha qua sông Dịch. Đến “Tây Tiến” của Quang Dũng, thì thể thơ hành đã được Việt hóa, kháng chiến hóa, sông Mã hóa, vệ quốc quân hóa. Nhịp thơ gắt như sự va đập của đầu người vào núi đá trong một cuộc leo ngất trời, dốc cao dựng đứng”.
Thể thơ bảy tiếng được Quang Dũng sử dụng khá thành công để diễn tả những cuộc lên đường hào hùng (Đường trăng, Pha Đin, Tây Tiến, Những làng đi qua). Đó không phải là những sự ra đi đầy bế tắc và cô độc như trong Thơ mới (Ta đi nhưng biết về đâu nhỉ / Thà cứ ở đây uống rượu say - Nguyễn Bính) mà là sự ra đi của một tâm hồn khoáng đạt đã tìm thấy đất nước làm điểm tựa để dấn bước. Thời Thơ mới, Thâm Tâm đã có những câu thơ vần trắc ở cuối dòng tạo khí thế hiên ngang: Đưa người ta chỉ đưa người ấy (Tống biệt hành).
Đến Quang Dũng, giá trị của những câu thơ vần trắc được phát huy hết sức mạnh khiến cho âm điệu thơ trở nên rắn rỏi, gân guốc:
“...Đào đỏ Nhật Tân ở lại gốc
Chủ nhân còn gác trạm tiền tiêu
Chờ địch kéo lên Yên Phụ dốc...”
(Những làng đi qua)
Có thể nói, sự sử dụng dày đặc vần trắc ở cuối câu là một nét đặc trưng của thể bảy tiếng thơ Quang Dũng (Tây Tiến 15/34 câu, Những làng đi qua 31/71 câu, Pha Đin 13/29 câu). Điều này cùng với tính chất bi tráng, quên mình của người lính trong những cuộc lên đường làm cho câu thơ bảy tiếng của Quang Dũng mang dấu ấn rõ rệt của thể thơ hành cổ điển.
3.1.2. Tính chất tự do hóa của thể thơ
Quang Dũng cũng như hầu hết các tác giả cùng thời thể hiện rõ nét xu hướng tìm tòi mạnh mẽ để phá bỏ các ràng buộc, khao khát đi tìm hình thức thơ mới cho thời đại. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Mọi thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới. Thơ của thời đại mới trong những bước đầu ít khi chịu những hình thức đều đặn, cố định. Nó chạy tung về những chân trời mở rộng để tìm kiếm, thử sức mới của nó”. Xu hướng tự do hóa về mặt thể loại trong thơ Quang Dũng được thể hiện trên tất cả các cấp độ bài thơ, khổ thơ và câu thơ.
Ở cấp độ bài thơ, Quang Dũng được sáng tác theo nhiều thể nhưng thể tự do vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất (17/47 bài, tỉ lệ 36,2%). Thể thơ tự do tỏ ra rất phù hợp với cá tính của hồn thơ Quang Dũng. Tâm hồn ông bay bổng, phóng khoáng, khó có thể chịu bó buộc vào một số thể thơ nhất định. Trái lại những cảm xúc, suy tư của ông cứ tràn ra mặt giấy thành những câu thơ có độ dài ngắn khác nhau, vần điệu, nhịp điệu hết sức phóng túng như khổng hề có quy luật mà vẫn rất tất yếu bởi nó tuân theo quy luật bên trong của cảm xúc thơ.
Thơ tự do Quang Dũng thường không vần hoặc rất ít vần (Mây đầu ô 9/ 43 câu thơ có vần, Nhớ 9/28 câu thơ có vần, Những cô hàng xén 24/ 74 câu thơ có vần, Đường mười hai 27/ 147 câu thơ có vần, Đường chiều thứ bảy 28/ 195 câu thơ có vần); số âm tiết trong câu thơ biến đổi linh hoạt, có câu chỉ một tiếng nhưng cũng có câu dài ra đến 14 tiếng (bài Ba Vì đón Bác). Số câu thơ trong một bài cũng không không có giới hạn, có bài bốn câu (Nhà mới), có bài gần hai trăm câu (Đường chiều thứ bảy, Rừng). Với thể thơ tự do, Quang Dũng dễ dàng chuyển tải hiện thực cuộc sống đầy ắp sự kiện vào trong thơ. Chính vì vậy mà lượng thông tin trong thơ cũng tăng lên rất nhiều, nhịp điệu câu thơ bị phá vỡ, câu thơ gần với câu văn xuôi hơn. Đó chính là lý do khiến thơ ông dễ dàng bám rễ vào hiện thực bộn bề của đời sống.
Điều quan trọng là ở thể thơ tự do, Quang Dũng đã thực sự bộc lộ tài năng của mình và để lại những dấu ấn riêng biệt. Không chỉ ở Không đề và Mây đầu ô mà ở nhiều bài khác, Quang Dũng cũng có những câu thơ đạt đến độ tài hoa. Đây là điệu tâm hồn của một lớp người ra trận:
“Tôi hành quân lên đường
Ngày tháng nhớ chia ly
Đuôi mắt vời trông nếp áo
Em còn nghe tiếng hát
Tiếng báng súng chạm vào ca sắt
Và cánh sao bay trong lá quốc kỳ”
(Đường chiều thứ bảy)
Còn đây là hình ảnh con sông Đáy thơ mộng:
“Sông Đáy xuôi dài cồn cát mênh mông
Làng bên bờ xanh mía
Thoảng mùi hoa lan, hoa nhài nhè nhẹ
Tiếng nói xa dần...”
(Những cô hàng xén)
Nói chung, thơ tự do Quang Dũng ít vần, nhịp điệu biến đổi linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa của nhịp điệu và tiết tấu thơ. Đó là thứ nhịp điệu bên trong, nhịp điệu của tâm hồn tuân theo quy luật của cảm xúc.
Cùng với việc tập trung sử dụng thể tự do, xu hướng tự do hóa trong thơ Quang Dũng còn thể hiện ở hình thức thơ hợp thể và biến thể. Thơ hợp thể là một hướng đi sáng tạo của thơ ca thời kháng chiến. Nếu như mỗi thể thơ, do cách hiệp vần và cấu trúc nhịp điệu thường có ưu thế trong việc diễn đạt một trạng thái cảm xúc nhất định thì sự phối hợp các thể thơ tạo ra khả năng thể hiện đồng thời nhiều sắc thái tình cảm. Giọng điệu thơ do đó cũng biến hóa phong phú. Thông thường nhất trong thơ Quang Dũng là sự phối xen thể bảy tiếng và thể năm tiếng (Mắt người Sơn Tây, Tôi viết chiều nay, Trắc ẩn, Hồ Nam). Sự kết hợp giữa hai thể này đem đến một hiệu quả đặc biệt. Thể bảy tiếng có ưu thế trong việc thể hiện tâm hồn vừa hào sảng, tráng chí, vừa bâng khuâng của Quang Dũng còn thể năm tiếng như một điểm dừng, khoảng lặng đẩy cảm xúc người đọc lên cao hơn. Chẳng hạn, ở Mắt người Sơn Tây, bao nhiêu yêu thương, nhớ mong, đau xót trong những câu thơ bảy chữ ở trên được dồn vào khổ thơ năm tiếng ở dưới:
“Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây”
Bài Bắt tép kho cà cũng có sự phối xen giữa thể bốn tiếng với câu thơ hai tiếng và sáu tiếng.
Cả bài thơ là bức tranh miền trung du trong trẻo, xinh xắn với những câu thơ bốn chữ đều đặn.
Cảm xúc thơ bỗng đột ngột chuyển hướng bằng một cặp câu thơ sáu tiếng:
“Nước mắt em buông lã chã
Long lanh nhớ giếng quê nhà”
Câu thơ sáu tiếng tắt nghẹn khiến chcảm xúc ngưng đọng thật sự gây ấn tượng với người đọc.
Ở thể tự do, Quang Dũng cũng sử dụng rất nhiều khổ thơ theo các thể truyền thống. Bài Ngựa có một khổ bảy tiếng, Rừng xen một khổ bảy tiếng, Không đề có ba khổ bốn tiếng. Hầu hết các khổ thơ “phối xen” này đều nằm ở cuối bài và có tác dụng gây ấn tượng, tạo điểm nhấn cho bài thơ. Bài thơ Ngựa có cách kết thúc như thế:
“Lửa bếp hồng thêm, người đến thêm
Chuyện vui chiến dịch kể thâu đêm
Dưới sàn thóc ngựa thơm đầy máng
Róc rách rừng khuya tiếng suối êm”
Cách sử dụng “thể” ở bài này rõ ràng mang một dụng ý nghệ thuật. Bởi vì nếu như ở những câu thơ trên hình ảnh “ngựa” được khắc họa bằng rất nhiều động từ, bằng câu thơ dài gắn khác nhau tạo chất “động” cho hình ảnh thơ thì ở cuối bài, khổ thơ bảy tiếng với nhịp thơ mềm mại (4/3 hoặc 2/2/3) lại dồn trọng tâm vào chất “tĩnh”. Phải chăng dụng ý của nhà thơ là cuộc chiến đó gian lao, vất vả nhưng không thiếu những phút giây thật thanh thản, yên bình... Ngoài hợp thể, Quang Dũng còn dùng hình thức thơ biến thể. Vóc dáng của câu thơ cũ có lẽ không đủ sức chứa đựng hiện thực của thời đại mới cho nên nó cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Trong thơ Quang Dũng, ngoài thể năm tiếng được dùng tương đối ổn định, các thể khác đều có hiện tượng biến thể. Ở bài Giấc mơ của Bạch, thể lục bát có khi được nhà thơ dùng “dôi” ra một âm tiết:
“Quà em, quà vợ anh mua
Ba chục bánh đậu, “chậc”, cũng vừa tiền thôi”
Có khi lại dùng cách ngắt đôi câu thơ tám tiếng:
“Hĩm con đã nhớn:
- Sao mày nhìn tao...”
Thể bảy tiếng cũng có cách cắt dòng như vậy:
“Ta đi
Ngõ gạch - tường đang đục
Gạn từng giọt nước đánh cầm hơi”
(Những làng đi qua)
Còn câu thơ bốn tiếng được Quang Dũng tách ra làm hai:
“Thơ người
biệt vắng
Mà vẫn
từng trang”
(Nhớ bạn)
Tính chất tự do hóa còn nằm ở đơn vị khổ thơ. Thơ ca truyền thống, dù là thể bốn tiếng, năm tiếng hay bảy tiếng đều có sự chia khổ. Với Quang Dũng khổ thơ không chỉ chịu sự chi phối của thể loại mà còn phải hài hòa về thanh điệu và thể hiện trọn vẹn ý tình thơ. Cho nên, vẫn là các thể truyền thống nhưng số câu trong một khổ của Quang Dũng biến đổi rất linh hoạt. Bài Bố Hạ (thể bảy tiếng) gồm năm khổ thì có hai khổ 3 câu, một khổ 5 câu và một khổ 6 câu. Một mùa thu tới có hai khổ 6 câu, một khổ 8 câu; Những làng đi qua có một khổ 5 câu, hai khổ 6 câu, một khổ 7 câu, hai khổ 8 câu, một khổ 9 câu, một khổ 10 câu; Trưa hè (thể lục bát) có một khổ 2 câu; Lính râu ria (thể năm tiếng) có một khổ 7 câu, một khổ 3 câu và một khổ 5 câu. Trong cảm quan thẩm mỹ của người xưa, cái đẹp gắn với sự hài hòa, cân đối cho nên thơ xưa thường dùng khổ thơ có bốn câu.
Việc sử dụng khổ thơ có số câu lẻ (3 câu, 5 câu, 7 câu, 9 câu) là một sáng tạo độc đáo của Quang Dũng. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là khổ thơ có ba câu. Giống như thể Haiku của Nhật Bản, khổ thơ ba câu của Quang Dũng không chỉ phá vỡ tính chất cân đối của thơ truyền thống mà còn thể hiện tính cô đọng trong hình ảnh, tạo điểm dừng và độ ngân vang cho cảm xúc thơ.
Ví dụ ở Lính râu ria, hình ảnh người lính thương nhớ con được miêu tả:
“- Chị ơi! Cháu ngủ đâu?
Rồi anh bế con chị
Anh lim dim cúi đầu...”
Thêm vào một câu nữa, thơ dễ sa vào kể lể. Dừng lại ở ba câu, hình ảnh thơ thêm ấn tượng và độ dư ba sẽ lắng sâu hơn trong lòng độc giả mà không cần một sự dẫn giải nào. Để ý kỹ se thấy ở cả Mây đầu ô và Không đề ta có thể “tách” ra thành những bài Tanka và Haiku rất đẹp.
“Ơi! Con đường xưa
Những mùa trút lá
Cành bàng mồ côi
Cổng cũ rêu phong
Ý đợi người”
(Không đề)
“Tiếng dương cầm...
Ta theo tiếng nhạc
Bay khỏi mái nhà
Ta mê xanh thẳm
Như cánh chim trời”
(Mây đầu ô)
“Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp”
(Không đề)
Hay:
“Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao
Góc phố phường”
(Mây đầu ô)
Nói tóm lại, sự kéo giãn biên độ thể loại trong thơ Quang Dũng không chỉ phù hợp với yêu cầu miêu tả hiện thực thời đại, mà trong chiều sâu, nó còn gắn với cảm quan nghệ thuật, nhận thức về mặt thẩm mỹ của cái tôi Quang Dũng. Chính cá tính sáng tạo của một tâm hồn phóng túng, yêu tự do đã đưa Quang Dũng đến với thể thơ tự do hay tìm cách phá vỡ các lề lối của thơ truyền thống.
3.1.3. Sử dụng thủ pháp ngắt dòng và thủ pháp tạo điểm dừng
Thủ pháp ngắt dòng là lối thơ tự do xuống dòng giữa câu, không hoặc có viết hoa ở đầu mỗi dòng ngắt. Người ta quen gọi là hình thức thơ bậc thang. Trong giai đoạn đầu chống Pháp, nhiều nhà thơ tỏ ra có sở trường ở thể này: Hữu Loan, Trần Dần, Yến Lan, Trần Huyền Trân... Quang Dũng có 7/47 bài thơ sử dụng thủ pháp thơ bậc thang (Nhớ, Rừng, Nhớ bạn, Thu quê ai, Đường Mười hai, Ba Vì đón Bác, Đường chiều thứ bảy). Số lượng ít ỏi đó cho thấy ông không hề lạm dụng thể thơ này mà trái lại ông đã biết khai thác những ưu thế của câu thơ bậc thang trong việc miêu tả sự đứt quãng của cảm giác, tạo nên những điểm dừng, những khoảng lặng để gây sự tập trung và nhấn mạnh ý nghĩa.
Nhiều câu thơ gợi lên được những cảm xúc và suy nghĩ phong phú:
“Những tàu cau đượm làm chi ánh nắng
Mà sao lưu luyến người!
Ôi ta nhớ một quê nhà”
(Thu quê ai)
Có ý kiến cho rằng kiểu thơ bậc thang trong kháng chiến chống Pháp nặng về hình thức và “không ghi nhận được thành công nào đáng kể”. Thực tế cho thấy “lối thơ theo kiểu Maiacốpxki” giai đoạn này vẫn có những thành công nhất định và sống rất lâu trong trí nhớ người đọc (chẳng hạn Lại về tỉnh nhỏ của Yến Lan, Hải Phòng đêm 19 - 11 của Trần Huyền Trân, Bài thơ Việt Bắc Trần Dần). Ở câu thơ sau trong Đường chiều thứ bảy của Quang Dũng, hình thức bậc thang đã diễn tả sự sâu lắng trong cảm xúc khi nói về những bi thương trong chiến tranh:
“Tôi gặp em
Nhưng
người bạn xưa
Đã không còn gặp lại
Thân nằm trên một đỉnh Trường Sơn”
Mỗi bậc thơ như một tiếng nấc nghẹn, câu thơ ngập ngừng, rưng rưng…
Cùng với ngắt dòng là thủ pháp tạo điểm dừng. Thơ Quang Dũng sử dụng thủ pháp này khá nhiều. Trong một số bài thơ, ông thường kết thúc bằng dạng “mở”, gây độ dư về âm và nghĩa.
Chẳng hạn ở bài Trưa hè, ông kết thúc bằng hai câu, tách ra thành khổ riêng:
“Xa quê dầu chẳng võ vàng
Trông mây núi nhớ mây làng về trưa”
Tứ thơ như thể được dồn trọng tâm vào cuối bài, tạo được ấn tượng và gây dư vị trong lòng độc giả. Ở bài Giấc mơ của Bạch theo thể lục bát, ông kết thúc bằng một câu lục tạo điểm dừng:
“Trách ông trực nhật nào kia
Chưa “nghiên cứu” kỹ đã bê còi vào
Thế là chưa đi đến đâu!”
Đây là lối kết thúc để ngỏ, dòng lục kết thúc như khẳng định một sự tiếp diễn. Ý thơ như thế không dừng lại mà vẫn tiếp tục phát triển trong trí tưởng tượng của người đọc.
Quang Dũng còn có cách tạo điểm dừng bằng khổ thơ gồm ba câu rất ấn tượng:
“Có những vợ chồng
Không là trăm năm
Mà tình thương yêu...”
Bằng tư duy thông thường, người đọc chờ đợi câu thơ thứ tư, nhưng khổ thơ đã dừng lại ở đấy. Có lẽ câu thơ thứ tư là một dấu chấm lửng, một sự để ngỏ mà mỗi người đọc có thể tự điền vào theo cảm xúc và tư duy của mình.
Dùng dấu chấm, dấu chấm than và dấu gạch ngang giữa dòng cũng là cách tạo điểm dừng quen thuộc của Quang Dũng:
“Thôi nhé miền xuôi! Thôi tạm biệt
Nùn rơm - khói thuốc - bạch đầu quân”
(Những làng đi qua)
“Với rừng. Cây lá đổ về xuôi”
(Rừng)
“Bác ngồi đâu. Bác hỏi những ai?”
(Ba Vì đón Bác)
Cách ngắt nghỉ giữa dòng như vậy tạo một khoảng lặng cần thiết cho sự suy tư của độc giả.
Cũng có câu thơ đạt được hiệu quả nghệ thuật cao:
“Tiền nước trả em rồi - Nắng gắt
Đường xa xôi mơ mơ núi và mây”
(Quán nước)
Trong đoạn thơ này, hai chữ “Nắng gắt” được tách ra riêng sau dấu gạch ngang với hai vần trắc liên tiếp cuối câu tạo ấn tượng. Vẫn là cái nắng ở đầu bài thơ (Tôi lính qua đường trưa nắng gắt) nhưng đến cuối bài được nhấn mạnh tạo nên một không gian đầy ám ảnh, vừa hiện thực đến khắc nghiệt (nắng gắt, mái lệch, tường xiêu, giàn mướp nghèo, nhà hoang vắng) lại vừa mơ mộng, trữ tình (mơ mơ núi và mây, vài sợi tóc,,.)
3.1.4. Sự sáng tạo các yếu tố thanh điệu, vần và nhịp
Trong sáng tạo thơ ca, vần có giá trị đặc biệt trong việc liên kết giữa các câu thơ với nhau, tạo âm hưởng và tiếng vang trong thơ. Thơ Quang Dũng có cách gieo vần phong phú. Cả lối gieo vần trong thơ cổ và trong Thơ mới đều được ông vận dụng linh hoạt. Ngoài hai bài thơ lục bát là Trưa hè và Giấc mơ của Bạch có sử dụng vần lưng, hầu hết thơ Quang Dũng đều sử dụng vần chân.
Ở các thể bốn tiếng, năm tiếng và bảy tiếng, Quang Dũng dùng nhiều cách gieo vần liên tiếp theo lối tứ tuyệt bốn câu ba vần:
“Ngài đây năm năm miền ly hương
Quê người đôi gót mỏi tha phương
Có những chiều trăng tròn đỉnh núi
Nhà ai chày giã gạo đêm sương”
(Cố Quận)
Cách gieo vần gián cách cũng được nhà thơ sử dụng nhuần nhuyễn:
“Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được
Giang sơn gấm vóc một miền Tây
Mới thấy yêu sao là Đất Nước
Pha Đin ngàn chóp nổi hồ mây”
(Pha Đin)
Sáng tạo độc đáo nhất của Quang Dũng chính là cách gieo vần trắc ở cuối câu. Cách gieo vần này có mặt ở tất cả các thể (trừ thể lục bát) nhưng tập trung nhất ở thể bảy tiếng và thể tự do.
Nhiều lúc câu thơ bảy tiếng của Quang Dũng dày đặc vần trắc (Những làng đi qua 37 vần trắc/71 câu, Pha Đin 14 vần trắc/29 câu, Bố Hạ 11 vần trắc/21 câu) khiến cho giọng thơ trở nên cứng cỏi, ngang tàng, tứ thơ lẫm liệt:
“Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Dân đang gánh gồng cả cơ nghiệp
Mái nhà trăm năm thôi để lại
Lạc chủ chó gầy mắt hoang dại...”
Khổ thơ có bốn câu nhưng đã có ba câu kết thúc bằng vần trắc, đều là dấu nặng, tạo cảm giác mạnh về cái ngổn ngang của buổi đầu kháng chiến.
Quang Dũng cũng để lại dấu ấn riêng về nhịp điệu. Nhịp thơ ông nhìn chung là nhịp của cuộc sống kháng chiến, nhịp của tiếng lòng nhà thơ trong cảm nhận đời thường được thể hiện bằng chất liệu ngôn ngữ. Ở thể bốn tiếng, nhịp điệu chung là 2/2 rất đều đặn và tươi vui:
“Đường thôn/rạ vàng
Ngậy mùi/cơm mới
Tháng mười/quê ta
Gạo mùa chim ngói”
(Tiết xôi mới trên đường đi khai hoang)
Nhưng có lúc ông sáng tạo nhịp 1/ 3 để nhấn mạnh ấn tượng hay gây cảm giác:
“Mờ/mây Tam Đảo
Sẫm/dáng Ba Vì”
(Bắt tép kho cà)
“Ơi!/Con đường xưa
Men vườn ổi thơm”
(Không đề)
Ở thể năm tiếng và thể bảy tiếng, ông thường dùng cách ngắt nhịp truyền thống (2/3) hoặc (4/3), (2/2/3). Tuy nhiên hai thể thơ này không gò bó như thơ thất ngôn và ngũ ngôn Đường luật mà có những cách tân. Nhịp điệu thường thay đổi liên tục, có dòng ngắt nhịp chẵn - lẻ (2/3 hoặc 4/3), có dòng ngắt ngược lại (3/2 hoặc 3/4):
“Đêm nay/đêm Bạch Hạc
Ta lại vào/nhà ai
Nghe sông Lô/cuộn nước
Dềnh lên/suốt đêm dài”