Thế Giới Nghệ Thuật Thơ Quang Dũng-Hình Tượng Đất Nước Và Con Người
6/22/2023 4:33:08 PM
diepn2 ...

  Trong thế giới nghệ thuật của nhà thơ thường có một số hình tượng tâm huyết nhất, cứ trở đi trở lại nhiều lần như là một “ám ảnh” đối với nhà thơ. Những hình tượng đó là những gì tinh tuy nhất của cuộc sống, chắt lọc bao khát vọng của óc và hồn người nghệ sĩ đã được thể hiện ra thành “những bức tranh sinh động và tương đối hoàn chỉnh về cuộc sống” thông qua các đơn vị ngôn ngữ có tính chất vần điệu, với trí tưởng tượng sáng tạo và cách đánh giá của người nghệ sĩ. Những hình tượng như thế càng có tính phổ biến bao nhiêu càng có ý nghĩa tư tưởng sâu sắc và cơ bản bấy nhiêu.
  Với Quang Dũng, điều làm ông trăn trở nhất không gì khác hơn là tình yêu đất nước, nhân dân, là niềm thương nhớ không nguôi dành cho “xứ Đoài mây trắng” quê ông, là những người lính trên tuyến đầu chiến trận hay những người con quê hương đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Viết về những điều ấy, Quang Dũng không chỉ như là “người thư ký trung thành của thời đại” mà quan trọng hơn ông “người thư kí trung thành” của chính trái tim, cảm xúc của mình. Vì thế, hình tượng quê hương đất nước và con người có vị trí quan trọng trong thơ Quang Dũng.
2.1. Hình tượng quê hương, đất nước
  Hình tượng quê hương đất nước bao giờ cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca. Nhất là khi đất nước có chiến tranh, chúng lại nổi lên ở vị trí trung tâm, thu hút mọi chú ý của thời đại. Đất nước “hoa”, “bướm”, “những ngày trốn học bị đòn roi” (Giang Nam), là “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ” (Lê Anh Xuân), là “Những người con gái, con trai / Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép” (Nam Hà).
  Đất nước cũng là “nơi anh đến trường”, “nơi em tắm” hay là cội nguồn tổ tiên “Lạc Long Quân và Âu Cơ / Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, “máu xương của mình / phải biết gắn bó và san sẻ” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.
  Trong chiến tranh, hình tượng đất nước hiện lên phong phú, đa dạng, nhiều vẻ, nhiều chiều. Viết về đất nước quê hương, Quang Dũng cũng góp mình bằng một tiếng thơ riêng đầy cá tính.
2.1.1. Hình tượng đất nước trong chiến tranh với khí thế lên đường
  Đến với Cách mạng từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng đã dấn mình vào cuộc bằng tất cả men say của tuổi trẻ. Quang Dũng trước hết là một người dân yêu nước nồng nàn và bấy lâu khao khát tự do. Hơn thế, ông còn là một nhà nghệ sĩ say mê cái đẹp, lý tưởng đẹp.
  Khi hai con người ấy thống nhất, hòa quyện, trộn lẫn vào nhau thì cảm xúc thăng hoa thành những vần thơ bất tử. Thời đại cũ không chất chứa nổi hồn ông. Chỉ có thời đại Cách mạng với vẻ đẹp của tổ quốc tự do mới trở thành chất kết dính cho hồn thơ Quang Dũng. Đất nước trở thành điểm tựa để thơ Quang Dũng cất cánh, bay bổng.
  Thơ Quang Dũng hiện lên một cảm hứng yêu nước nồng nàn tha thiết. Nhà thơ ca ngợi đất nước bằng tất cả niềm tự hào của một trái tim chân thành, sôi nổi: “Ở đây Đất Nước gấm hoa sao” (Ba Vì đón Bác). Hai chữ “Đất Nước” luôn được nhà thơ viết hoa một cách trang trọng, thể hiện được những tình cảm thiêng liêng mà trìu mến dành cho non sông đất nước: “Tháng chạp màn sương trùm Đất Nước” (Những làng đi qua), “Mới thấy yêu sao là Đất Nước” (Pha Đin).
  Đất nước trong thơ Quang Dũng là đất nước trong chiến tranh còn nhiều gian khổ nhưng đầy khí thế lên đường. Nhà thơ khắc họa thành công không khí của cả nước cùng ra trận:
“Thôi nhé Miền Xuôi! Thôi tạm biệt
Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời
Ta đi Ngõ gạch - tường đang đục
Gạn từng giọt nước đánh cầm hơi”
(Những làng đi qua)
  Đoạn thơ như thổi cái hơi nóng hừng hực của buổi ra trận vào lòng người đọc. Cuộc chiến được bày ra trước mắt với tất cả bừa bộn, ngổn ngang - với “tường đang đục”, “lửa ngang trời”. đặt mọi người vào cái tâm thế của kẻ làm trai trước vận mệnh đất nước. Đất nước đó - còn gian lao nhưng cũng thật hào sảng, khó khăn mà cũng thật anh hùng.
  Đất nước hiện lên trong “khẩu khí anh hùng”, đó là tâm trạng chung của một lớp người, không riêng gì Quang Dũng. Ta gặp trong thơ Chính Hữu hình ảnh thật đẹp:
“Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”
(Ngày về)
  Giọng thơ hào sảng, hình ảnh thơ tráng lệ nghe phảng phất hơi thở Kinh Kha đâu đây. Nhưng nếu trong thơ Chính Hữu hình ảnh đất nước được xây dựng bằng lối viết mượt mà, có phần cách điệu theo kiểu Chinh phụ ngâm xưa thì Quang Dũng đưa đất nước đến người đọc bằng một lối viết “trúc trắc”, nhịp dài ngắn không đều, giàu vần trắc và những hình ảnh chân thật cụ thể. Đó đúng là đất nước của buổi đầu chiến trận, khi mà những đội ngũ chưa thật sự hình thành, khi những chiến thuật, lối đánh cũng chưa thật rõ nét. Nhà thơ không ngắm nhìn đất nước bằng hình ảnh “đội ngũ ta đi dài như tiếng hát” hay bằng những dấu chân thế hệ tiếp bước nhau qua trảng cỏ như trong thơ Thanh Thảo.

 Quang Dũng ngắm nhìn đất nước bằng một góc độ riêng, giàu chi tiết. Đây là một góc của chiến trận:
“Có làng trung đoàn ta đi qua
Máu đông in dấu giày đinh giặc
Nền tro, gạch sém ngách buồng ai
Chiếc tã đầu giường đang cháy dở”
(Những làng đi qua)
  Còn đây là hình ảnh tản cư kháng chiến:
“Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Dân đang gánh gồng cả cơ nghiệp
Mái nhà trăm năm thôi để lại
Lạc chủ, chó gầy mắt hoang dại”
(Những làng đi qua)
  Có nghĩa là Quang Dũng ít miêu tả đất nước bằng tư duy khái quát, tổng hợp và trừu tượng. Nhà thơ cảm nhận đất nước bằng cái nhìn của một người trong cuộc với những sự kiện, hình ảnh, chi tiết thấm đẫm chất “sống”, chất chiến trận. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh riêng của đất nước. Khi dân tộc ta mới lần đầu tiên chiến đấu trực diện với thực dân Pháp thì tư duy của con người về đất nước cũng mới mẻ, cụ thể và ít tính khái quát hơn so với thời chống Mỹ.
  Đất nước trong thơ Quang Dũng là đất nước buổi đầu đánh giặc với ngổn ngang các sự kiện:
“Khẩu hiệu trên tường đá ong mới
Thông tin đứng vẽ giặc tây hàng
Trống ếch khua rền khắp ngõ ngang
Chiều đến loa vang tin chiến sự
Khêu bấc, đèn con, họp tiểu đoàn... “
(Những làng đi qua)
  Nhà thơ viết về đất nước bằng cái nhìn của người viết bút kí, phóng sự chiến trường, nhưng chất thơ vẫn bay bổng, đầy rung cảm:
“Ta đi
Tháp đứng nghiêm hồ lạnh
Hoàn Kiếm đêm đêm giặc rụng rời
Màu đỏ sao bay về đỉnh tháp...”
(Những làng đi qua)
  Bước vào cuộc chiến một mất một còn, khi mà lực lượng đôi bên không cân sức, mỗi người đều phải tự nhận thức về vị trí, trách nhiệm của mình lớn lên ngang tầm lịch sử. Đất nước hiện lên trong vẻ đẹp kiên cường, không khuất phục trước sức mạnh của kẻ thù:
“Đường Mười hai anh dũng
Đường dài hun hút đá răm
Mình mang đầy vết đạn bom
Nhưng quân thù khiếp sợ”
(Đường Mười hai)
  Đó là một đất nước chiến đấu “dồn dập chân đi, cuồn cuộn sóng người / chiến đấu/ giặc điên dại” (Đường Mười hai); cũng là một đất nước đang dựng xây:
“Ầm ầm xe lu vách đá vọng
Mờ ảo công trường hiện dưới lau
Đội hạt cầu đường lán lưu động
Còn bay than bếp dưới hoa đào”
(Pha Đin)
  Thơ Quang Dũng viết về đất nước hào hùng nhưng chân thật, cụ thể. Đất nước trong buổi đầu kháng chiến không thiếu những vất vả, gian lao, những nỗi buồn:
“Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Tháng chạp màn sương trùm Đất nước
Gió mùa chết héo mạ non xanh
Sương muối thấm vào bao đạn ướt”
(Những làng đi qua)
  Những con người của đất nước ra đi trong không khí ảm đạm của thiên nhiên và mang nỗi buồn nặng trĩu trong hồn. Bước hành quân của họ không phải bao giờ cũng dồn dập, hào hùng:
“Tiếng hát hành quân vui trong mưa
Gió bấc về sân buổi tiễn đưa”
(Những làng đi qua)
  Trong câu thơ này có từ chỉ cảm xúc “vui”, có tiếng hát nhưng đọc kỹ vẫn thấy niềm vui dường như không cất lên nổi giữa mưa phùn, gió bấc. Buổi tiễn đưa hiện ra trong cái không khí ngùi ngùi của tâm trạng và của đất trời. Hình ảnh ấy cũng giống như hình ảnh của con người trong thơ Nguyễn Đình Thi:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
(Đất nước)
  Phải chăng đây cũng là tâm trạng chung của những người thanh niên thời đại, cất bước lên đường theo tiếng gọi của non sông cũng là biết mình phải đón nhận những gian nan lớn. Một chút dư vị buồn rất sâu” (Đặng Anh Đào) là điều khó tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tinh thần của dân tộc Việt Nam. Viết về hình tượng đất nước, Quang Dũng không quên dành những vần thơ trang trọng nhất để ca ngợi Người:
“Hãy dừng lại đây
Và kính cẩn
Đi theo lối ngoặt dốc Yên Bồ
Hãy nén tim mình quá xúc động…
Cây đa mùa xuân Bảy mươi chín
Bác để cho đời rồi vĩnh biệt”
(Ba Vì đón Bác)
  Hình ảnh Người trong thơ Quang Dũng thật hiền lành, dung dị và giàu ân tình. Bác đến với mảnh đất Ba Vì quê hương, Bác “mừng tuổi dân”, Bác “đẹp lòng” vì những người làm ăn chăm chỉ, Bác “hỏi nếp làm ăn hợp tác”, Bác “dành phần kẹo” chia cho các cháu thiếu nhi... Kể làm sao hết những tình cảm Bác dành cho quê hương. Bởi vì Bác Hồ là hiện thân của đất nước. Cảm hứng lên đường trong thơ Quang Dũng còn được thể hiện ở những địa danh. Trong 47 bài thơ của mình, Quang Dũng dùng đến 112 địa danh, trong đó có 17 địa danh thiên nhiên: sông Hồng, sông Mã, núi Trường Sơn, rừng Yên Thế, đèo Pha Đin, sông Đà, sông Lam, đèo Hoa, suối Thơ, sông Thương..., 20 địa danh của xứ Đoài quê ông: sông Đáy, Sơn Tây, Bất Bạt, xứ Đoài, Bương Cấn, Sài Sơn, Phủ Quốc, Hà Tây, xã Vật Lại, xã Tòng, Tòng Bạt, Tam Bảo, Ba Vì, Núi Tản, núi Thầy, dốc Yên Bồ, chóp Tản Viên, Quốc Oai, bến Mộc, bãi Lương Tuyền và 75 địa danh mang tính chất địa chính: Hà Nội, Hải Phòng, Nhật Tân, Nga Sơn, xứ Thanh, đất Nghệ, Cẩm Thúy, Tây Giai, cửa Tiền, Hồng Phú, Bắc Giang, Lam Sơn, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nho Quan, Nghệ Tĩnh, Việt Bắc, Bình Thuận, Tiền Hải... Những tên đất, tên núi, tên sông gắn liền với tình yêu thiên nhiên đất đai của tổ quốc hay gợi lên rất nhiều kỉ niệm chiến trường. Mỗi cái tên đọc lên đã thấy chan chứa niềm tự hào:
“Sông Đà đổ nước vào sông Thao
Hội với sông Lô đầu Bạch Hạc
Mỏm đất Trung Hà nhìn bát ngát
Những bãi ngô dài trên bãi cát
Thanh Thủy, Thanh Sơn và Bợ Bạt”
(Ba Vì đón Bác)
  Nhiều nhà thơ cùng thời với Quang Dũng lấy cảm hứng đất nước từ những địa danh. Đó là trường hợp của Tố Hữu với Việt Bắc, Ta đi tới hay Trần Mai Ninh với Tình sông núi. Qua những địa danh, người đọc như được cùng sống, cùng cảm thông với những nhân vật có thật, cùng hòa nhịp cảm xúc của mình với cảm xúc chung của dân tộc trên bao vùng đất kháng chiến. Đằng sau những địa danh ấy là một vùng đất đai, xứ sở của tổ quốc, là sự chất chứa những vẻ đẹp, những đau thương, cả những kỉ niệm và lòng yêu mến của con người.
  Viết về những địa danh của đất nước, thơ Quang Dũng vẫn có những nét riêng. Cuộc đời chiến đấu trải qua bao vùng miền của tổ quốc cộng hưởng với tâm hồn ưa phiêu du, thích “xê dịch” của Quang Dũng làm cho thơ ông cũng phong phú các tên gọi, các vùng đất. Đây không phải là yếu tố riêng chỉ có trong thơ Quang Dũng, nhưng gọi tên, miêu tả các địa danh đầy gợi cảm như Quang Dũng thì không phải nhà thơ nào cũng làm được. “Quang Dũng vẫn là người rất tài hoa trong việc ghi nhận và thổi vào sự sống cho các địa danh. Những tên đất riêng - thường là những tên nôm - là quê ông, là những nơi ông đã đi qua - Những làng đi qua, thế mà vào thơ lại trở thành một lưu luyến, một nhớ nhung đến thế, không chỉ là một xứ Đoài mây trắng với Bương Cấn, Sài Sơn, với Phủ Quốc, Ba Vì, Bất Bạt... mà còn là Sài Khao, Mường Hịch, Pha Luông, Mai Châu, Châu Mộc”.
  Với các nhà thơ khác, địa danh thường gắn với niềm tự hào thì trong thơ Quang Dũng, nó gắn nhiều hơn với sự trải nghiệm. Địa danh trong thơ Quang Dũng được miêu tả với tư cách một người đã đến, đã nhìn tận mắt, đã trải nghiệm qua. Cho nên nhiều cái tên đọc lên nghe trúc trắc, khúc khuỷu nhưng với Quang Dũng lại thật quen thuộc, tự nhiên như chính quê nhà mình vậy: Mường Hịch, Mai Châu, Mường Lát, Pha Luông, Pha Đin, Lương Tuyền, Yên Phụ, Viên Chăn, Châu Mộc, Sầm Nứa, Ô Lỗi, Bạch Câu, Cẩm Thúy, Tây Giai...
  Cách sử dụng địa danh trong thơ Quang Dũng cũng thật đặc biệt, không có dấu vết của sự kỳ công, gọt giũa nhưng mỗi địa danh như đã tìm được vị trí riêng của nó, rất chính xác, rất “đắc địa”. Trong câu thơ sau khó có thể thay hai chữ “Mường Hịch” bằng một địa danh nào khác:
“Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
(Tây Tiến)
  Đất nước trong thơ Quang Dũng là đất nước trong chiến tranh, trong lửa đạn ngút trời. Ở đó, Quang Dũng cảm nhận đất nước bằng một không gian rất riêng: Không gian con đường. Con đường là nỗi ám ảnh trong thơ Quang Dũng từ rất sớm. Nhưng nếu như trước Cách mạng tháng Tám, đó là “đường ải vắng” (Chiêu Quân), là “đường quạnh quạnh” (Cố Quận) - những con đường tít tấp, mịt mùng, ra đi không có lối về; thì sau Cách mạng tháng Tám, đó là con đường ra trận, đường về với quê hương đầy ắp niềm tự hào. Nhà thơ viết về con đường với tất cả niềm say mê.
  Trong 47 bài thơ của mình, Quang Dũng đã 50 lần nhắc tới hình ảnh con đường. Bước chân Quang Dũng in dấu ấn những nẻo đường: “đường xa”, “đường tản cư”, “dọc đường”, “đường đi”, “cầu đường”, “đường dân công”, “đường về trường huyện”, “đường Mười hai anh dũng”, “ngựa chiến đường băng”, “lên đường”...
  Con đường trong thơ Quang Dũng còn là những “lối”, những “ngả”, những “dốc”, “đường kháng chiến” hay có khi chỉ là một hướng đi trong Tây Tiến. Con đường trong thơ Quang Dũng trước hết là con đường chiến trận, là “Đường Mười hai anh dũng / Đường dài hun hút đá răm / Mình mang đầy vết đạn bom” (Đường Mười hai), là bước chân của người lính Tây Tiến “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Con đường ấy không thiếu những khó khăn, những dốc cao, vực thẳm, mây mù thách thức người lính. Nhưng con đường ấy cũng là con đường của tổ quốc, là một phần máu thịt của đất nước mà người lính phải giữ gìn và bảo vệ. Trên những nẻo đường đất nước, Quang Dũng đã ghi lại được những bức tranh thật đẹp:
“Dọc những đường thu nhiều kỷ niệm
Đường lên Phương Bắc nhớ nhung ai
Đường về Nam bộ bao trông ngóng
Hiền hậu non xanh với biển dài”
(Một mùa thu tới)
  Đó là con đường ra trận được cảm nhận bằng một tâm hồn hào hoa, nghệ sĩ trở thành những “đường thơm”, “đường trăng”, đầy hương sắc ngọt ngào:
“Đường ấy dừa trăng như cổ tích
Đường vào những truyện thuở ngày xanh
Đường qua bến lội ngang người cát
Biển thủy triều dâng mặn nước lành”
(Đường trăng)
  Trong giai đoạn đất nước có ngoại xâm, khi những người con của đất nước đang lên đường theo tiếng gọi của sông núi, hình ảnh con đường trở thành hình tượng trung tâm của tổ quốc. Cùng với Tố Hữu, Quang Dũng là một trong những nhà thơ viết nhiều nhất về con đường ra trận. Bằng hình ảnh ấy, nhà thơ đã thể hiện được hình tượng đất nước trong chiến tranh với khí thế lên đường.
2.1.2. Hình tượng thiên nhiên đất nước hùng vĩ và diễm lệ
  Đọc thơ Quang Dũng, người ta chú ý đến điều này: Thơ Quang Dũng có cảm hứng với những cái mãnh liệt, những hình ảnh thiên nhiên dữ dội, những con người hiên ngang. “Cái gì hoành tráng, bi tráng, xanh thẳm, ngút ngàn... mới là vòm trời của cánh bay Quang Dũng”. Nhà thơ tha thiết yêu thiên nhiên đất nước, khát khao khám phá mọi miền tổ quốc. Thiên nhiên đất nước trong thơ Quang Dũng được hiện lên bằng hai nét vẽ: hùng vĩ và diễm lệ. Thiên nhiên trong thơ Quang Dũng là thiên nhiên của những gì hoành tráng và kỳ vĩ nhất. Ông chú ý đến những bức tranh:
“Cao vút Trường Sơn
Mây trắng
Mưa rừng
Chớp lửa”
(Gửi Sơn Tây)
  Nhà thơ tìm đến vùng đất thiên nhiên hiểm trở và khắc nghiệt với những dốc cao, vực thẳm, mưa ngàn, mây trắng ngang trời, những đèo Pha Đin, sông Mã, Mai Châu, Mường Lát, Mường Hịch... để từ đó vẽ lên những bức tranh sinh động về thiên nhiên đất nước. Đây là cảnh núi:
“Như từng đợi sóng bủa lên trời
Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được
Lắc đầu tài xế thấm mồ hôi
Bên dốc chon von ngàn thước vực”
(Pha Đin)
Còn đây là cảnh sông:
“Ở đây đất nước gấm hoa sao
Sông Đà đổ nước vào sông Thao
Hội với sông Lô đầu Bạch Hạc
Mỏm đất Trung Hà nhìn bát ngát”
(Gửi Sơn Tây)
  Vì thế, cũng có lí khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thiên nhiên trong thơ Quang Dũng thường là những bức tranh thủy mặc hơn là tranh tả thực. Nhà thơ miêu tả thiên nhiên bằng nét vẽ khái quát với bút pháp tạo hình độc đáo. Cái nhìn của nhà thơ thường là từ cao, từ xa nhìn xuống như thu vào tầm mắt tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên, sông núi. Và chỉ bằng một nét vẽ tài tình, ông đã khắc họa được cái thế kì vĩ, “chon von”, cao ngất, chạm tới trời của Pha Đin: “Như từng đợi sóng bủa lên trời”. Cũng chỉ một chữ “gầm” thôi, Quang Dũng đã làm hiện lên hết cái dữ dội, hoang dại và mãnh liệt của sông Mã:

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Tây Tiến)
  Bút pháp chấm phá là một nét đặc trưng của thi pháp văn học Trung đại. Nhưng trong thơ cổ hiếm khi nào nó được dùng để miêu tả cái dữ dội, hoành tráng. Thường thì đó là những nét vẽ mềm mại, thoáng buồn kiểu như:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
(Qua Đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan)

  Quang Dũng sử dụng một cách tự nhiên bút pháp cổ điển để viết về những gì rất thật của đời sống chiến đấu. Cuộc hành quân của những người lính Tây Tiến chỉ được tạo nên bằng một vài nét bút nhưng đã dựng lên hết những cảnh núi cao, dốc sâu, vực thẳm, rừng dày... hiểm nguy và đe dọa bước chân người lính:
“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
(Tây Tiến)

  Thiên nhiên Tây Bắc qua ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng được cảm nhận với vẻ đẹp đa dạng mà độc đáo, hùng vĩ mà thơ mộng, hoang sơ mà ấm áp. Ông có lối gây ấn tượng mạnh về cái hùng vĩ và cái tuyệt mỹ. Ở bốn câu thơ trên, Quang Dũng đã vẽ ra bốn bức tranh hoành tráng, diễn tả rất đạt sự hiểm trở và dữ dội, hoang vu và heo hút của rừng núi Tây Bắc. Hai câu thơ đầu, những từ đầy giá trị tạo hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “cồn mây”, “súng ngửi trời” đã diễn tả thật đặc sắc sự hiểm trở, trùng điệp và độ cao ngất trời của núi đèo Tây Bắc. Ba chữ “súng ngửi trời” thật tinh nghịch, hồn nhiên nhưng cũng rất thật. Người lính đi trong mây, lẽ tự nhiên mũi súng như chạm tới đỉnh trời, “ngửi trời”. Câu thơ thứ ba như bẻ đôi, diễn tả dốc núi vút lên, đổ xuống gần như thẳng đứng, nhìn lên cao chót vót, nhìn xuống sâu thăm thẳm. Và khi đã đạt tới đỉnh cao của “cổng trời” rồi, nhìn ra xa mới thấy một bức tranh tuyệt mỹ “Nhà ai Pha Luông mưa
xa khơi”, một không gian mịt mùng sương rừng, mưa núi, mới thấy thấp thoáng xa xa những ngôi nhà chìm trong sương khói lung linh, diệu vợi...
  Thiên nhiên trong thơ Quang Dũng thường là những bức tranh như vậy. Bằng ngòi bút có năng khiếu thẳm mĩ tổng hợp cầm, kỳ, thi, họa, ông đã tạo nên những bức tranh thiên nhiên giàu màu sắc, đường nét, mang đậm lối gây ấn tượng của hội họa và bút pháp tạo hình. Đó là thiên nhiên của tâm hồn mãnh liệt và ưa khám phá. Tâm hồn ấy ắt phải tìm đến những vùng đất hiểm trở, khắc nghiệt, bí ẩn đó nhưng cũng hứng thú vô cùng. Đọc Tây Tiến thấy hiện lên đầy những tên đất lạ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu... Những cái tên nghe hoang sơ, kỳ bí. Ai không quen hẳn có lúc phải rùng mình (Chiều chiều oai linh thác gầm thét / Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người).
  Những vùng đất hiểm trở ấy còn là những núi, sông, rừng, biển, dốc, vực, thác... của thiên nhiên tổ quốc. Trong thơ Quang Dũng, đây là những hình tượng thiên nhiên xuất hiện với tần số khá cao: Hình tượng núi xuất hiện 44 lần, sông 45 lần, rừng 38 lần, biển 14 lần, dốc 12 lần... Hiếm có nhà thơ nào viết về núi, sông, rừng, biển nhiều đến vậy. Nhà thơ yêu tha thiết rừng. Trong số các hình ảnh thiên nhiên, Quang Dũng dành cho rừng một vị trí đáng kể (38 lần). Rừng trong thơ Quang Dũng vừa uy nghiêm, cổ kính, vừa mạnh mẽ, hiên ngang:
“Rừng ta thâm nghiêm
Um tùm bóng cả
Xanh Trường Sơn cây cổ đại nghìn năm
Rừng miền Tây che gió Lào quạt lửa”
(Rừng)

  Cùng với rừng là hình ảnh của núi và các dạng của địa hình núi (dốc, vực, thác). Núi trong thơ Quang Dũng được miêu tả khá đa dạng: “núi xanh”, “núi biếc”, “dốc núi”, “hang núi”, “bóng núi”, “núi rừng”, “hương núi”... Nhà thơ khai thác núi ở khía cạnh hiểm trở. Núi hiện lên với những “dốc chon von”, “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”, “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, “cồn mây”, “thác gầm thét”, “ngàn thước vực”, “vực thẳm”, “đỉnh dốc”...
  Thơ Quang Dũng có rất nhiều sông, cả những dòng sông có tên: sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô, sông Lam, sông Đáy, sông Chảy, sông Thương... và những dòng sông mà dấu chân lãng du thoáng gặp trên đường đời: sông xa, chiều sông, sông trôi, sông cạn, sông hiu hiu, bên sông, sông nước trong xanh... Sông là nơi Quang Dũng ký thác tâm hồn lãng mạn, giàu mơ mộng của mình:
“Sông trôi luống gợi dòng vổ hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh”
(Trắc ẩn)

  Có lúc đó là dòng sông mãnh liệt, hoang dại (Sông Mã gầm lên khúc độc hành). Nhưng phần nhiều sông trong thơ Quang Dũng mềm mại và gợi cảm:
“Bãi sỏi quanh co dòng nước chậm
Cheo leo cầu tạm, vắt sông Thương”
(Bố Hạ)

  Vì thế, có người nói thơ Quang Dũng hợp với “sông Đáy dòng chậm” hơn là sông Hồng sóng nước cuồn cuộn. Điều này là hợp lí vì khi phấn khởi, hào sảng, ông hòa mình vào núi rừng, còn khi buồn bã nhà thơ lại tìm đến những dòng sông yên ả, trữ tình.
  Trong số các hình ảnh kể trên, Quang Dũng viết về biển ít nhất. Nhà thơ say mê vị núi đồi, gắn bó với rừng, nhưng đến với biển ông cũng để lại những cảm xúc đẹp:
“Ầm ì biển thở dọc hải triều
Đồng muối lóa mắt ngày nắng thiêu
Ở đây đê biển ngăn con nước
Đê ngoài kia sống gió bao nhiêu”
(Về đồng muối)

  Nhìn chung, núi, sông, rừng, biển đều là những hình ảnh thiên nhiên rộng lớn, khoáng đạt. Viết về những hình ảnh này, ngòi bút Quang Dũng có xu hướng khái quát hóa, đồng thời thể hiện niềm tự hào trước vẻ đẹp của sông núi. Cũng là núi, là sông, là rừng, là biển... là đất đai, thiên nhiên của tổ quốc thân yêu nhưng đã được Quang Dũng tô thêm nét vẽ hùng vĩ và hiểm trở, tạo thành những bức tranh giàu màu sắc, đường nét, có tính tạo hình cao và gây hứng thú với người đọc.
  Đọc thơ Quang Dũng, thấy thiên nhiên, sông núi nước ta thật đẹp. Nhà thơ nhiều khi không giấu nổi niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước:
“Mới thấy yêu sao là Đất Nước
Pha Đin ngàn chóp nổi hồ mây”
(Pha Đin)

  Tình yêu nước được thốt ra một cách trực tiếp, ngỡ ngàng. Những lời ca ngợi được viết ra cụ thể, tự nhiên nhưng không hề gây cảm giác sáo rỗng mà vẫn tạo xúc cảm mạnh trong lòng người đọc:
“Đẹp như sơn thủy tranh đời Tống”
(Pha Đin)
“Ở đây Đất Nước gấm hoa sao!”
(Ba Vì đón Bác)

  Thiên nhiên đất nước trong thơ Quang Dũng không chỉ hùng vĩ, hiểm trở mà còn tươi đẹp, diễm lệ. Có lẽ chỉ trong thơ Quang Dũng mới có được cảm giác bồng bềnh như thế này:
“Nắng nửa sông xa mờ khí núi
Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu”
(Thu)

  Cũng chỉ trong thơ Quang Dũng mới có hình ảnh sông nước Tây Bắc mênh mang, mờ ảo:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
(Tây Tiến)

  Cái cảm giác mênh mông, trôi dạt ta đã gặp ở đâu đó trong thơ cổ (Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai - Thôi Hiệu), trong Thơ mới (Bèo dạt về đâu hàng nối hàng - Huy Cận), nhưng không ở đâu sông nước, con thuyền lại gợi cảm đến như thế. Thiên nhiên Tây Bắc hiện lên với hai thái cực vừa đối lập nhau, vừa giao thoa, hội nhập với nhau: “Một miền Tây nhòe mờ kiểu tranh lụa, cũng là một miền Tây hiểm trở và hùng vĩ, góc cạnh, gân guốc của điêu khắc (...) Một miền Tây bí hiểm đầy hung khí của một miền đất dữ, với “oai linh thác gầm thét”, “cọp trêu người”, cũng lại là một miền Tây đằm thắm tình người: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”; lại cũng là một miền thơ”. Không gian trong một đoạn thơ là một dòng sông trong một buổi chiều giăng mắc màn sương. Nhờ thế, mọi đường nét, dáng vẻ đều nhòe đi trong một nét vẽ mờ ảo. Hình dáng người con gái trên dòng sông mềm mại, uyển chuyển, lung linh, hòa lẫn vào sương khói, vào dòng nước lũ. Cái cảm giác mông lung, mơ hồ mà thật say mê cứ quyện lấy hồn người đọc. Ngòi bút Quang Dũng không tả mà chỉ gợi. Vậy mà cảnh vật thiên nhiên xứ sở qua ngòi bút của ông như có hồn phảng phất trong gió, trong cây (Có thấy hồn lau nẻo bến bờ). Ông không chỉ làm hiện lên trước mắt người đọc vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn gợi lên cái phần thiêng liêng của cảnh vật. Quang Dũng viết về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước với cả một niềm say mê. Trong thơ ông ta thấy cả những hình ảnh “lộng lẫy như tranh sơn mài”:
“Ngựa thồ đỉnh dốc nhỏ như kiến
Đi trong đường mây rắc bụi vàng”
(Pha Đin)

  và hình ảnh phiêu diêu, mềm mại:
“Gió heo nổi sớm nắng thu về
Chuồn chuồn cánh mỏng lại bay đi
Rỡn từng ngọn cỏ may khô úa
Cánh nhạn tung trời thêu biệt ly”
(Thu)

  Quang Dũng viết về phong cảnh thiên nhiên bằng con mắt của người họa sĩ, giai điệu của người nhạc sĩ và tấm lòng yêu tha thiết quê hương đất nước. Bằng cách ấy, ông đã đưa người đọc vào một thế giới vi diệu của thơ, họa, nhạc trộn lẫn, huyền ảo. Có những câu thơ đọc lên đầy cảm giác, thấm đẫm âm nhạc và lung linh sắc màu. Chẳng hạn:
“Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai”
(Tôi viết chiều nay)

  hay:
“Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ chiều âm thanh”
(Tôi viết chiều nay)

  Ở câu thơ trên, màu sắc được cảm nhận tinh tế, cách phối màu rất đạt: màu xanh của núi hòa lẫn với màu tím của chiều tạo thành một găm màu nhạt; âm thanh chậm, rời rạc hòa điệu cùng đường nét mềm mại, mờ ảo... tất cả như tràn vào hồn người đọc, gợi lên một nỗi buồn nhẹ nhàng mà thấm thía...
  Có thể nói “thiên nhiên trong thơ Quang Dũng (...) bao giờ cũng là một nhân vật quan trọng, tràn đầy sinh lực và thấm đượm tình người”. Quang Dũng viết về thiên nhiên tổ quốc bằng hai nét bút chủ đạo: hùng vĩ và diễm lệ, với cách cảm nhận rất riêng của một tâm hồn nghệ sĩ đa tài. Ông vừa là một nhà thơ, vừa là một họa sĩ, đồng thời lại có những sáng tác âm nhạc. Cho nên thiên nhiên trong thơ ông không chỉ là những bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp mà còn mang giai điệu trầm bổng, giàu cảm xúc. Ông đã làm cho thiên nhiên đất nước thêm tươi đẹp bằng những cách khám phá riêng, đồng thời cũng làm cho ta thêm yêu quý, thêm trân trọng những gì thuộc về đất nước mà bấy lâu nay ta quên lãng.
2.1.3. Hình tượng quê hương tươi đẹp, gợi thương, gợi nhớ
  Thơ Quang Dũng chan chứa tình cảm dành cho quê hương đất nước. “Trong thơ anh thấy trào lên tình yêu quê hương, sự gắn bó với xóm làng, đồng ruộng, xứ sở. Anh có lần tâm sự với bạn bè: mình cảm thấy trong mình có một “thằng bé nhà quê“ luôn luôn nhớ về làng xóm, luôn luôn thèm khát được về quê”.
  Quang Dũng đi nhiều, viết nhiều. Ông đi bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. “Đi chơi với Quang Dũng là một cái thú”. Trước khi gia nhập đoàn quân Tây Tiến, Quang Dũng đã nhiều lần thực hiện những chuyến viễn hành. Sau Tây Tiến, Quang Dũng còn đi nhiều hơn nữa. Cách mạng đã tạo cho ông những chuyến đi. Nhưng đó không còn là những chuyến đi chất chứa nỗi “sầu vạn cổ” mà là đi để thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương mình. “Quang Dũng có khả năng hòa hợp tuyệt diệu và rung động tinh nhạy với những chòm xóm, cảnh quê, với cảnh đồng quê chân mộc, lam lũ nhưng cũng rất thơ mộng”. Cả ở những gì giản dị nhất, Quang Dũng cũng làm ta vấn vương, lưu luyến:
“Muối vừng hương thơm ngậy
Cua đồng canh rau đay
Mâm cơm đến bữa”
(Nhớ)

  Trong thơ Quang Dũng có cả những “nồi cơm trộn sắn”, “canh rau đay”, “bát muối vừng”, “tiếng sung rơi”, “bờ tre xào xạc”, “lúa rì rào”, “đào bưởi chín cây”. Quang Dũng viết về những gì giản dị nhất của quê hương bằng cảm xúc hồn hậu mà tha thiết, dung dị mà cháy bỏng yêu thương. Những bức tranh quê trong thơ ông thường có thần thái, sinh động, kết hợp tự nhiên giữa màu sắc và âm thanh, tình và cảnh:
“Róc rách suối len
Cuộn tròn trong vắt
Sắn nương thơm thơm
Cầu thang ai hát
Bậc thang ruộng gặt
Đá ong phơi vàng”
(Bắt tép kho cà)

  Quang Dũng nhiều khi đắm mình vào vẻ đẹp của quê hương, say mê trong màu sắc bất  tận của mùa màng, ruộng gặt:
“Đường về quê hương mùa lúa chín
Chim ngói bay về thửa tám thơm.
Em đã đi về xem lúa gặt
Làng anh bừng sáng cả đường rơm”

 


Hình ảnh quê hương trong thơ ông vừa dân giã vừa rất mực tài hoa. Những cảnh quê thường được ông nắm bắt rất nhạy và đưa vào thơ tự nhiên như không có dấu vết của sự gọt giũa. Ông đã tạo nên được cái hôn của những bức tranh quê bằng cảm nhận tinh tế của chính mình:
“Tu hú, tu hú
Mùa vải ven bờ
Nơi quê hương trời xưa ấu thơ
Mái tóc em vừa vương hương bưởi
Chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa”
(Những cô hàng xén)
  Hình ảnh người con gái quê với mái tóc “vương hương bưởi” “chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa” đủ làm nên sức quyến rũ của quê hương.
  Quê hương trong thơ Quang Dũng thật ngọt ngào và êm dịu. Ông không chỉ miêu tả quê hương bằng màu sắc, âm thanh, hình ảnh mà còn gợi lên quê hương bằng hương vị. Thơ văn ông
“thoảng mùi hương quê mùa”. Hương vị quê hương thật phong phú và gợi cảm: “cơm đã thơm mùi”, “hương bưởi”, “thoảng mùi hoa lan nhè nhẹ”, “hoa lan vào ngõ tối còn thơm”, “ngậy mùi cốm mới”, “thơm mùi lúa”, “phưng phức hương mùa”, “thửa tám thơm”, “sắn nương thơm thơm”, “muối vừng hương thơm ngậy”... Ông làm cho chúng ta thêm yêu quê hương bằng cách đánh thức cùng một lúc thính giác, thị giác và khứu giác của ta để đưa ta đến một cảm giác thật ngọt ngào, lan tỏa vào tận sâu trong trái tim mỗi con người. Làm sao không yêu, không quý những cảnh quê như thế này:
“Đồng quê sẽ mãi thơm mùi lúa
Phưng phức hương mùa, thoảng ấm no
Xanh ngát xanh rờn hơi gió chạy
Thanh bình đôi điệu hát câu thơ”
(Một mùa thu tới)
  Suy cho cùng, tất cả tình yêu quê hương đất nước của Quang Dũng là ở chỗ ông mong mỏi cho quê hương được ấm no, thanh bình. Chất nghệ sĩ lãng tử trong ông bao giờ cũng sâu thẳm và đằm thắm chất nhân văn của một con người. Quang Dũng nặng lòng với đất nước. Ông muốn hát lên những khúc ca về đất nước tươi đẹp. Nhưng tiếng hát ấy trước hết là những mong mỏi rất thật của một hồn người về quê hương hạnh phúc. Điều đó đã làm nên giá trị của thơ Quang Dũng cũng như làm nên sức sống của những bài thơ Quang Dũng giữa cát bụi thời gian. Quang Dũng đã viết và để lại cho chúng ta những cảm xúc đẹp ở cả hai khía cạnh: lòng yêu cái đẹp mang tính chất thẩm mỹ và sự trân trọng những giá trị sống mang tính chất nhân văn. “Quang Dũng đã cố gắng lột tả cho hết vẻ đẹp nồng hậu của quê hương Việt Nam với những nét đặc sắc riêng không lẫn, góp cho thơ Việt Nam những bức tranh quê đằm thắm, xúc động lòng người”.
  Cũng giống như chàng kị sĩ xứ Đaghétxtan thuở nọ, đi đến đâu cũng hát mãi khúc ca về quê hương mình, người nghệ sĩ Quang Dũng dù lãng du, phiêu bồng vẫn không thôi nhớ về xứ Đoài mây trắng. Ông “Nhớ Sơn Tây hơn một mối tình”. Trong trái tim ông có một góc riêng, sâu thẳm, trong lành nhất dành cho núi Sài Sơn, dòng sông Đáy, đỉnh Ba Vì... Quê hương ông, làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây là một vùng đất đai cằn cỗi, nghèo khó. Người dân xứ Đoài có nhiều lý do để lưu lạc, tha phương. Nhưng dường như là một nghịch lý, càng đi nhiều thì họ càng nhớ nhiều, nhớ da diết mảnh đất quê hương. Quang Dũng không nằm ngoài số đó. Đất đai, sông núi xứ Đoài đã trở thành niềm ám ảnh thơ Quang Dũng. Những ngày phải xa quê, canh cánh trong lòng ông là một nỗi niềm nhớ mong khắc khoải về mảnh đất quê hương:
“Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì”
(Mắt người Sơn Tây)
  Dù ra đi chiến đấu, ông vẫn đau đáu hướng về quê hương trong cảnh chiến tranh điêu tàn:
“Mẹ ta em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”
(Mắt người Sơn Tây)
  Quê hương trong thơ ông là cả một nỗi niềm thương nhớ. Nỗi nhớ thương có khi không kìm nén được, bật ra thành tiếng kêu tha thiết: Đất đá ong trong lòng giếng mát
“Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương”
(Nhớ một bóng núi)
  Ông đã tạo nên cho xứ Đoài quê ông một nét riêng, không lẫn với bất kỳ làng quê nào khác. Xứ Đoài trong ông trước hết là cả “một miền mây” mà ông là “cánh chim lang thang” luôn khao khát tìm về. Mây với Quang Dũng là tất cả những gì trong trẻo, tinh khiết, thanh cao nhất. “Miền mây” đó là quê hương ông - một quê hương được nhìn bằng nỗi lòng kẻ viễn xứ nên cũng được bao bọc trong vẻ đẹp thanh khiết và bồng bềnh của mây.
  Xứ Đoài còn là dòng sông Đáy thanh bình, chảy hiền hòa giữa đôi bờ xanh tốt những bãi mía, vườn dâu, rặng nhãn:
“Sông Đáy xuôi dài cồn cát mênh mông
Làng bên bờ xanh mía
Thoảng mùi hoa lan, hoa nhài nhè nhẹ
Tiếng nói xa dần
Chiều tím cuối mùa xuân
Sông nước trong xanh
Những bước chân tròn cát mịn”
(Những cô hàng xén)
  Nhà Quang Dũng ở ven sông Đáy, nhìn ra xa xa thấy bóng Ba Vì thấp thoáng. Cho nên, đi xa Quang Dũng vẫn “nhớ một bóng núi”. Ông không miêu tả Ba Vì với cái nhìn cận cảnh của một người lạ lẫm:
“Núi Tản như con gà cổ đại
Khổng lồ mào đỏ thắp bình mình”
(Huy Cận)
  Tình cảm tự nhiên của một người con thân thuộc từ thời thơ ấu đã đưa thi nhân đến cái nhìn viễn cảnh, bàng bạc:
“Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì”
(Mắt người Sơn Tây)

“Ba Vì tảng trán xanh
Thức với xứ Đoài mây trắng lắm”
(Bất Bạt đêm giao quân)
  Đỉnh núi Ba Vì mây trắng, dòng sông Đáy chảy chậm là hai hình ảnh quê hương tha thiết của Quang Dũng. Xa bóng núi ấy là xa một nguồn chở che thân thiết, xa dòng sông ấy là xa một nguồn bồi đắp dạt dào. Quang Dũng đã nhiều lần tha phương, lưu lạc. Nỗi nhớ thương đau đáu khiến ông phải thốt lên: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”. Chỉ một hình ảnh gợi cũng đủ làm nên nỗi nhổ quê nhà:
“Những tàu cau
Đượm làm chi ánh nắng
Mà sao lưu luyến người
Ôi ta nhớ quê nhà”
(Thu quê ai)
  Xa quê, ông nhớ rõ đến từng chi tiết nhỏ của cảnh vật quê nhà:
“Ngồi đây vời tưởng đường quê hương
Lúc đã xanh xanh mấy nẻo làng
Cốm đã thơm mùi, hồng đã chín
Ao sau vườn cũ, nước trong xanh
(...)
Cữ này đào bưởi đang chín cây
Mía đỏ vườn hoang mang bóng ngày
Bướm nhẹ cánh vàng mơ lá cải
Trời thu không rượu cúc mà say”
(Thu)
  Thật kỳ lạ! Nhà thơ xa quê nhưng quê hương như đang hiện lên trước mắt, sống động, chân thật. Tất cả như đang ở trong cái thế chuyển động của hiện tại “lúa đã xanh xanh”, “hồng đã chín”,
“đào bưởi đang chín cây”. Còn Quang Dũng thì say sưa hít thở không khí quê hương, đắm chìm trong màu sắc quê hương (lúa xanh xanh, mía đỏ vườn, hồng chín cây, bướm nhẹ cánh vàng). Quê hương đó tràn ngập màu sắc, say đắm hương thơm. Làm sao không yêu, không quý cho được. Quê hương tươi đẹp, gợi thương, gợi nhớ còn bởi có những con người quê hương. Trong thơ Quang Dũng đó là những “Mẹ già đầu tóc bạc phơ / Dăn deo nét khó”, những em nhỏ “nghèo khó giữa vườn hoang dại”, “cháu gái mồ côi / Mắt sáng trong đang tập đánh vần” hay là “mọi thằng con bé nhỏ/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”. Quê hương còn có những người con gái:
“Má hồng thôn nữ
Thoảng mùi thơm quê mùa
Hơi thở ấm trầu, răng đen nhưng nhức”
(Những cô hàng xén)
  Nhà thơ tìm thấy cả trong những cái tên người niềm tự hào:
“Những cô hàng xén tên xinh
Đẹp như ca dao nước Việt”
(Những cô hàng xén)

 Quang Dũng tưởng chừng như là kẻ lãng tử, tha phương bậc nhất trong thi ca Việt lại là con người nặng lòng với quê hương vô cùng. Thế giới thơ ông là thế giới của hoài niệm, của “nhớ về” “trở về” quê hương: “trở lại đồng Bương Cấn”, “Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng”, “Trở về đây buồn đất cũ người xưa”, “về quê hương”, “vời tưởng đường quê hương”, “về làng”, “nhớ mây làng về trưa”... Cho nên quê hương trong thơ ông cũng là quê hương trong hoài niệm, quê hương của nỗi lòng người xa quê. Nó được phủ lên bởi một bức màn lung linh của tình thương nhớ nên cũng tươi đẹp vô cùng. Quang Dũng đã làm cho những dải đất đá ong khô cằn cỗi xứ Sơn Tây trở nên gợi cảm, làm cho đỉnh núi Ba Vì, dòng sông Đà muôn đời khắc nghiệt (Núi cao sông hãy còn dài / Năm năm báo oán đời đời đánh ghen) trở nên thanh bình và hiền hậu. “Chưa ai khác ngoài ông, cho đến hôm nay, kề cả Tản Đà đã tạo nên được một sự sống rung động đến thế cho xứ Đoài nhiều mây trắng quê ông. Con đường qua cầu Giấy, lên Phùng, đến với xứ Đoài nhờ vào thơ ông mà trở nên thơ mộng hơn, mỹ lệ hơn, lưu luyến hơn dẫu đất đai nơi đâu cũng có một vẻ đẹp riêng”.
  Ông làm cho chúng ta yêu mến xứ Đoài quê ông, để từ đó thêm yêu quê hương riêng của mình. Chỉ điều đó thôi, Quang Dũng cũng xứng đáng để người đời nhớ tới cho dù trong cuộc đời ông chưa từng có ý định xây dựng cho mình sự nghiệp thơ ca.

2.2. Hình tượng con người
2.2.1. Tượng đài bất tử về người lính vô danh
  Văn học là nhân học, đối tượng thể hiện chủ yếu của văn học là con người. Cảm hứng về con người là cảm hứng xuyên suốt trong văn học từ những tác phẩm cổ đại (Prômêtê bị xiềng) đến những tác phẩm trung đại và hiện đại (Truyện Kiều - Nguyễn Du, Tình yêu cuộc sống – Giắc Lơnđơn, Người mẹ - Gorki). Số phận của con người, tình yêu của con người, những trăn trở, suy tư, cảm xúc của con người là nguồn đề tài vô tận cho con người khám phá. Tuy nhiên, “con người trong văn học đâu phải là con người có thật trong thực tế, mà là quan niệm về con người ấy một cách thẩm mỹ và nghệ thuật” (Trần Đình Sử). “Có nghĩa là, từ cuộc sống vào văn học, vấn đề con người đã được thẩm thấu qua lăng kính cảm nhận từ tâm hồn của cá nhân người nghệ sĩ và được nâng lên mức thẩm mỹ và nghệ thuật” (Trần Đình Sử (1995), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục, tr. 90). Trong tác phẩm văn học, con người là trung tâm cảm nhận và phản ánh thế giới.
  Văn học Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ thể hiện tập trung chủ đề người lính. Họ là những con người “mang dấu ấn, tầm vóc, tư tưởng và ý chí của thời đại”. Văn nghệ sĩ nói chung, các nhà thơ nói riêng đã xây dựng thành công hình tượng người lính, những con người gánh vác sứ mệnh lịch sử trước tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.
  Hình tượng người lính trong thơ gây nhiều ấn tượng và xúc động mạnh mẽ trong lòng
người đọc. Trong kháng chiến chống Pháp đó là hình ảnh những anh vệ quốc quân, những con người gần gũi, hiền lành nhưng hết lòng hy sinh cho tổ quốc:
“Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh”
(Nhớ - Hồng Nguyên)
  Đến thời chống Mỹ, hình tượng người lính hiện lên với tầm vóc mới: Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
“Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”
(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)
  Đó là những con người giàu lòng yêu nước, tràn đầy tinh thần lạc quan yêu đời nhưng cũng ý thức sâu sắc về sứ mệnh lịch sử mà dân tộc trao cho mình. Có thể nói, hình tượng người lính trong thơ kháng chiến vừa kế tục những nét truyền thống của văn học yêu nước vừa có những nét mới từng trải, bản lĩnh và có chiều sâu. Quang Dũng gia nhập binh đoàn Tây Tiến từ những năm 1947. Việc mặc áo lính, là một cán bộ trong quân đội đối với ông ngày ấy “có nghĩa thiêng liêng và tự hào lắm”. Tây Tiến là đơn vị thành lập vào đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ miền biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao sinh lực địch ở vùng thượng Lào cũng như vùng Tây Bắc Việt Nam. Địa bàn hoạt động của Tây Tiến khá rộng: từ Châu Mai, Châu Mộc sang Sầm Nứa rồi vòng về phía tây Thanh Hóa. Cuộc sống chiến đấu ở binh đoàn Tây Tiến quả là gian khổ: “đánh trận tử vong ít, sốt rét tử vong nhiều”. Không chỉ phải chiến đấu với quân thù, người lính còn phải vật lộn với núi cao, rừng rậm, sương mù, với những thiếu thốn về thuốc men, lương thực, quân nhu. Vất vả là thế nhưng cũng phải nói thêm rằng lính Tây Tiến phần đông là học sinh - sinh viên trí thức Hà Nội. Họ hào hoa, lãng mạn, đa tình. Họ đến với gian khổ bằng khát khao khám phá bản thân và khám phá đất nước. Cho nên họ cũng lạc quan, yêu đời và coi thường hiểm nguy. “Có những chiến sĩ sốt rét run cầm cập vẫn nằm nguyên ở vị trí chiến đấu, bắn súng, ném lựu đạn, vần đá từ trên cao xuống, tiêu diệt nhiều tên địch”.
  Là một chiến sĩ trong binh đoàn Tây Tiến, Quang Dũng viết về người lính tự nhiên như chính hơi thở của mình. Qua thơ, ông đã chung đúc thành công “bức tượng đài - bản giao hưởng vừa lồng lộng hoành tráng, vừa vang vọng trữ tình về những chàng lính trẻ Hà Nội thời đầu sau Cách mạng đã ra đi đầy hào khí vì nghĩa lớn, những chiến sĩ yêu nước, yêu đời, thật đáng mến thương, cảm phục”.
  Trong thơ kháng chiến, cách viết của khá nhiều nhà thơ là đi từ những hình ảnh chân thực, có thật, đến những gương mặt chung chung, mang ý nghĩa điển hình. Điều này đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật về chất sống cho thơ. Hình ảnh người lính thường hiện lên cụ thể, là những gương mặt riêng: Xuân Diệu viết về Phan Hành Sơn, Tố Hữu tập trung làm nổi bật phẩm chất anh hùng của dân tộc qua hình ảnh Nguyễn Vãn Trỗi, mẹ Tơm, em Hòa, cậu bé Lượm hay chị Nguyễn Thị Lý... Nguyễn Đức Mậu có cách viết giàu cảm xúc về một người đồng đội:
“Chết - hy sinh cho Tổ quốc Hùng ơi
Máu thấm đỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng”
(Nấm mộ và cây trầm)
  Quang Dũng không đi theo lối quen đó. Ông ít khi miêu tả một gương mặt chiến sĩ riêng biệt với những tên tuổi cụ thể nào. Thường thì tác giả dồn đúc các phẩm chất tốt đẹp của những tráng sĩ Tây Tiến thành gương mặt chung cho cả đoàn quân, dùng lối vẽ phiếm chỉ để khái quát nên chân dung tiêu biểu rất oai hùng của những người chiến sĩ vô danh, dám xả thân vì nghĩa lớn. Thơ ông là thơ về cả một đoàn quân trên đường dài chiến trận: “Những làng trung đoàn ta đi qua..”, “Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi...”, “Những làng trung đoàn ta đóng lại...”, “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc...”, “Là những người quân qua bến làng...”, “Là bước quân đi đường kháng chiến”...
  Dấu ấn thời đại về mặt thẩm mỹ trong hình ảnh người lính thơ Quang Dũng là khá rõ. Đây là giai đoạn đầu cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Cả dân tộc đang hừng hực khí thế xông lên. Những đoàn quân, thường là đoàn vệ quốc quân nối tiếp nhau ra trận trở thành hình ảnh trung tâm của thời đại. Thơ chống Pháp tập trung miêu tả những đoàn quân:
“Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”
(Lên núi - Hồ Chí Minh)
  Hào khí thời đại đã ngấm sâu vào tâm hồn Quang Dũng, để rồi từ đó hiện ra hình ảnh những chàng vệ quốc quân lên đường “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”:

“Thôi nhé miền xuôi!
Thôi tạm biệt
Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời
Ta đi
Ngõ gạch - tường đang được
Bạn từng giọt nước đánh cầm hơi”
(Những làng đi qua)
  Người lính trong thơ Quang Dũng hiện lên với vẻ kiêu hùng trong vóc dáng:
“Im rồi!
Chiến dịch vừa ngơi súng
Thắng trận anh về áo rách bươm
Lá cũng tả tơi dường mệt mỏi
Càng thêm kiêu đẹp vẻ anh hùng”
(Rừng)
  đồng thời lại mang đầy khát vọng trong tim:
“Nghỉ lại Nho Quan
Hút điếu thuốc sợi vàng
Nhìn lên sao Bắc Đẩu
Đêm nào vượt sông Đà?
Đêm nào vượt sông Hồng?
Những chặng đường đi ngay mũi giặc”
(Đường Mười hai)
  Viết về người lính, Quang Dũng đã phả được cái không khí chiến trận còn ngổn ngang, tươi mới vào lòng người đọc. Ta đọc được ở đó khí thế của một thời cả dân tộc ra trận, đắm mình trong men say lý tưởng, sẵn sàng cống hiến tuổi xanh cho đất nước. Cái tinh thần “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” của những chàng trai trẻ đầy khí thế. Đất nước anh hùng hiện lên trong những con người anh hùng, những người lính trên con đường chiến đấu:
“Đường Mười hai trắng trong hoàng hôn
Bỗng đen đặc người
Những nhịp chân đi rầm rập”
(Đường Mười hai)
  Người lính trong thơ Quang Dũng còn hiện lên ở vẻ dung dị, tự nhiên:
“Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khỏa vội cầu ao”
(Những làng đi qua)
  Đó là những phút giây bình yên của người lính sau những buổi hành quân, những giờ ra trận. Người lính trở về với cuộc đời thường thật hiền lành mà cũng thật giàu cảm xúc. Đến thời chống Mỹ cứu nước, thơ Quang Dũng vẫn giữ được hình ảnh những đoàn quân hào hùng:
“Những lớp người hai mươi tuổi
Ca nước đập vỏ bình toong
Khăn mặt thấm mồ hôi
Bụi đỏ. Bụi vàng”
(Mây đầu ô)
  Lúc này, khi tuổi đã xế chiều, áo lính đã giã bỏ, Quang Dũng lại nhập thân vào những chàng trai trẻ - những người lính Hà Nội để khám phá khát vọng của họ. Họ là những người con của tổ quốc, phơi phới tuổi xuân đang tiếp bước cha anh lên đường.
  Đặc biệt là, trong thơ của mình, Quang Dũng đã khám phá ra kiểu người lính mang cốt cách nghệ sĩ. Đó là những người lính có nguồn gốc xuất thân từ học sinh - sinh viên thành thị. Họ yêu đời, lãng mạn, hào hoa và sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Người lính trong thơ Quang Dũng không hiện lên bằng vẻ ngoài nghèo khó (Áo anh rách vai, quần tôi có vài miếng vá) hay dáng vẻ hiền lành, gần gũi (Giọt giọt mồ hôi rơi / Trên má anh vàng nghệ) mà bằng tâm hồn lãng mạn và mơ mộng khác thường. Quang Dũng chú ý đến khái niệm “hồn lính” - một khái niệm trước ông và sau ông trong văn học ít thấy:
“Chiều rồi ba lô lại ra đi
Bâng khuâng hồn lính vấn vương gì”
(Nhớ)
“Đường xa xôi mơ mơ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Có gì man mác tự vừa đây”
(Quán nước)
  Tâm hồn người lính được miêu tả với nhiều cung bậc, khi bâng khuâng lưu luyến “Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường” (Quán nước), lúc xao xuyến, nhớ thương “Nhớ mẹ già tiền cơm chẳng lấy / Nhớ em khó nghèo giữa vườn hoang dại / Nhớ bát muối vừng / Nồi cơm trộn sắn” (Nhớ), có khi lại vấn vương, man mác “Tim tím chiều hôm lên bóng núi / Dọc đường mờ những cánh hoa phai” (Trắc ẩn). Nhưng trên hết đó vẫn là những tâm hồn nghệ sĩ, không chỉ biết rung cảm với cái đẹp mà còn có năng lực phát hiện và yêu mến cái đẹp trong môi trường sống của mình. Vì thế, ở nhiều bài thơ, Quang Dũng miêu tả người lính mà hầu như không có tiếng bom rơi, đạn nổ, cũng vắng hẳn những tiếng ra trận, xung phong. Lớp từ ngữ chiến trận trong thơ Quang Dũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn so với nhiều nhà thơ cùng thời. Trái lại, ông khám phá người lính bằng rất nhiều khái niệm: nhớ, mơ, mộng, bâng khuâng, vấn vương, man mác... Do đó, người lính trong thơ ông là kiểu người lính giàu xúc cảm, hay mơ mộng và biết khám phá cái đẹp. Chẳng hạn ở bài thơ Đường trăng:
“Là những người quân qua bến làng
Hoa nhài thơm ngõ đượm quân trang
Lớp này lớp khác người sang hết
Thuyền lại nằm phơi dưới nguyệt vàng”
  Trên con đường ra trận, người chiến sĩ đã hướng cặp mắt thi sĩ vào tất cả cỏ cây, hoa lá, trăng sao để rồi từ đó phát hiện ra đất nước mình thật đẹp, sông núi thiên nhiên quê hương mình thật gợi cảm, đầy màu sắc, thấm đẫm hương thơm.
  Con đường ra trận trở thành con đường trăng, con đường thơ đầy thi vị và quyến rũ lòng người.
  Cũng như vậy, ở Tây Tiến không hề có những trận đánh long trời lở đất, những phen sống mái với kẻ thù. Ngược lại, tâm hồn người lính nhiều lúc phải ngân lên những thanh âm xao xuyến, có lúc bởi một vẻ đẹp mê hồn khi đã đạt được độ cao:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
  Cũng có khi bởi một mùi hương gợi thương gợi nhớ:
“Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
  Người lính ấy biết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một cô gái Tây Bắc:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
  Ở đây, tất cả ánh sáng, âm thanh, màu sắc như trộn lẫn vào nhau, hòa quyện, quấn quýt để nâng lên vẻ đẹp thanh khiết mà diễm lệ của cô gái Tây Bắc. Người lính Tây Tiến mang trong mình cả hai cốt cách tráng sĩ và thi sĩ. Chất tráng sĩ thì lồng lộng hoành tráng, chất thi sĩ lại lãng mạn, bay bổng. Người lính ấy sẵn sàng xả thân vì nghĩa, sẵn sàng quên hết những khó khăn vất vả đời thường, quên kẻ thù trước mặt, quên cả thác dữ, cọp gầm nhưng quên sao được bóng hình một cô gái Hà Nội:
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
  Có thể nói việc khám phá ra kiểu người lính mang cốt cách nghệ sĩ cùng với việc tập
trung miêu tả khái niệm “hồn lính” là một đóng góp mới mẻ của nhà thơ Quang Dũng. Chính điều này làm cho hình tượng người lính trong thơ hiện lên không đơn giản, xuôi chiều mà có chiều sâu, có những sáng tạo đặc sắc.
  Một điều dễ nhận thấy là người lính trong thơ Quang Dũng hiện lên với dáng dấp của những tráng sĩ xưa, có hơi hướng cổ điển. Thơ ông thường miêu tả những người lính coi thường hiểm nguy, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng:
“Khuya khoắt bờ sông vắng
Tiếng súng rền xa xa
Lính mấy chàng phanh ngực
Hát nhẹ lên bài ca”
(Lính râu ria)
  Cái cách người lính thanh thản bước chân vào cuộc chiến ta đã gặp đâu đó trong thơ cổ:
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”
(Chinh phụ ngâm khúc)
nay lại hiện về với vẻ đẹp mới, vừa chân thực, cụ thể lại vừa lồng lộng hoành tráng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (Tây Tiến). Để thể hiện điều đó, Quang Dũng đã tạo ra cho thơ mình một thế giới từ ngữ đậm chất cổ điển, đầy vẻ tráng ca: áo bào, biên cương, chiến trường, viễn xứ, độc hành... Lớp từ ngữ Hán Việt trang trọng đã khiến hình tượng người lính thêm uy nghiêm.
  Ở Tây Tiến, Quang Dũng đã bất tử hóa người lính bằng cách dựng lên một tượng đài vừa sừng sững hiên ngang, vừa bay bổng, trữ tình về người lính:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
  Bức tượng đài ấy gây ấn tượng bằng dáng vẻ oai hùng của người lính. Oai hùng đến độ dữ tợn: những cái đầu trọc ngang tàn, những vóc dáng dữ dằn (dữ oai hùm), những đôi mắt trừng đáng sợ... Quả là cả một đoàn quân kì lạ. Chỉ thoáng nhìn đôi mắt trừng “gửi mộng qua biên giới” thôi ta cũng nhận ra được dáng vẻ của người trai thời loạn, cái khí phách hiên ngang đứng trên miền biên cương của tổ quốc. Nếu dừng lại ở đấy, bức chân dung người lính đã rất đáng để ta chiêm ngưỡng rồi. Nhưng, điều quan trọng là cái đầu “không mọc tóc” ấy, bóng dáng đoàn quân “xanh màu lá” ấy chứa đựng cả một hiện thực lớn lao. Đó không hề là sản phẩm bịa đặt của một trí tưởng tượng ủy mị nào. Đó là sự thật nghiệt ngã được thăng hoa trên đôi cánh lãng mạn: sốt rét rừng khiến cho người lính rụng hết tóc, thiếu thốn, bệnh tật làm thân hình họ gầy gò, xanh xao. Hóa ra Quang Dũng không hề che giấu những gian khổ, khó khăn, những căn bệnh hiểm nghèo và cả sự hy sinh của người lính. Chỉ có điều, tất cả những cái đó, qua ngòi bút ông, không được miêu tả một cách trần trụi mà qua cái nhìn đậm màu sắc lãng mạn: Những mái đầu rụng tóc mà ngỡ như tóc không thèm mọc, cái vẻ xanh xao của người lính vẫn toát lên nét oai phong, dữ tợn của con hổ nơi rừng thiêng. Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông khám phá ra chiều sâu bên trong vẻ ngoài dữ dằn ấy là những tâm hồn, những trái tim rạo rực và khao khát yêu đương:
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
  Cái chết của người lính cũng rất đáng ghi danh họ vào bất tử:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
  Quang Dũng đã không che giấu những bi thương của một thời chiến tranh. Người chiến sĩ phải hy sinh nơi biên cương xa xôi, lạnh lẽo, xa quê hương, gia đình, những cái chết cô độc đầy tội nghiệp. Nhưng cảm hứng của nhà thơ không bị nhấn chìm vào bi lụy. Nỗi đau thương được nâng lên trên đôi cánh của lý tưởng và tinh thần lãng mạn trở nên cao cả và thiêng liêng.
  Cái sự thật bi thảm là những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến manh chiếu để che thân, qua cái nhìn của Quang Dũng lại được bọc trong những tấm áo bào sang trọng. Và cuối cùng, cái bi thương bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét tiễn đưa của dòng sông (Sông Mã gầm lên khúc độc hành).
  Trong khúc hát vừa dữ dội, vừa hào hùng của thiên nhiên tổ quốc ấy, sự hy sinh của người lính bỗng trở nên cao cả hơn, thấm đẫm tinh thần bi tráng.
  Như vậy, Quang Dũng đã tạc nên bức tượng đài tập thể của người lính Tây Tiến bằng các chất liệu chủ đạo: lãng mạn và chân thực, bi và hùng. Chúng hòa quyện, xâm nhập vào nhau, nương tựa, nâng đỡ cho nhau, tạo nên vẻ đẹp bi tráng - cái thần thái chung của cả bức tượng đài: “Có thể nói Tây Tiến - đó chính là tượng đài bằng thơ bất tử mà Quang Dũng với cả tấm chân tình đã dựng lên để tượng niệm những người chiến sĩ vô danh đã hy sinh vì nước; cũng là để tưởng niệm của cả một thế hệ thanh niên ưu tú của dân tộc sau Cách mạng tháng Tám đã hăm hở ra đi giữ nước và nhiều người đã không trở về”.
2.2.2. Con người trong tình yêu với vẻ đẹp tâm hồn
  Tình yêu là một trong những phương diện cao đẹp nhất của tâm hồn mỗi con người.
Hiếm có nhà thơ nào chưa một lần viết về tình yêu. Với Quang Dũng, người chịu ảnh hưởng khá nhiều của thơ lãng mạn, tình yêu trở thành một đề tài lớn, xuyên suốt các tác phẩm của ông.
  Tình yêu trong thơ Quang Dũng là tình yêu trong cảnh chiến tranh, giữa khói lửa chiến trường. Nhà thơ thường sử dụng mô típ gặp gỡ tình cờ làm nền cho những câu chuyện về tình yêu:
“Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi”
(Mắt người Sơn Tây)
“Tôi lính qua đường trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ em, quán lệch tường xiêu”
(Quán nước)
  Từ đó hiện ra mối tình bất chợt, thoáng qua mà đầy thương cảm giữa người lính trên
đường ra trận và người em gái hậu phương: Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc  đường
  Thơ Quang Dũng viết về tình yêu trong chiến tranh khiến người đọc xúc động về những cách ngăn chia rẽ đôi lứa, những bên này, bên kia, những hoàn cảnh chia ly đầy đau đớn:
“Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào”
(Đôi bờ)
  Tình yêu trong thơ Quang Dũng thường là thứ tình cảm trong sáng, nhẹ nhàng, nhiều lúc đạt đến độ thanh cao. Thơ ông không có những tình cảm đầy khao khát mãnh liệt như trong thơ Xuân Diệu mà là những tình cảm lãng mạn, mông lung, huyền ảo. Tình yêu đó gợi nhiều mộng mơ hơn là những khát khao gần gũi. Nhân vật trữ tình trong hầu hết các bài thơ thường là từ xa ngắm nhìn, chiêm ngưỡng tình yêu hơn là đòi hỏi, hưởng thụ tình yêu. Ở bài Áo trắng là những rung động bất chợt mà đầy xao xuyến của những chàng trai trước vẻ đẹp của người con gái áo trắng:
“Tôi gặp nàng như gặp nhớ thương
Lạnh sao màu áo trắng như sương
Vườn hồng không thắm trong tôi nữa
Có một hương gì gây nhớ thương”
  Từ cuộc gặp gỡ thoáng qua bên đường (Tôi gặp nàng đi buổi sớm mai) mà hiện lên biết bao mộng mơ, tưởng nhớ. Nhưng đó chỉ là nhớ thầm, thương trộm thôi chứ đâu phải là tình yêu cụ thể giữa hai người yêu nhau:
“Tôi để nàng qua chẳng nói gì
Mắt người nghiêm quá dưới hàng mi
Màu tang sầu cả hồn trai trẻ
Nhớ thầm từ đó bóng người đi”
(Áo trắng)
  Mắt người Sơn Tây là một bài thơ đẹp của Quang Dũng viết về tình yêu. Trong thơ kháng  chiến, tình yêu đôi lứa thường gắn rất sâu với tình yêu quê hương đất nước. Nhiều khi hai tình cảm đó được hòa nhập làm một tạo thành triết lý: “Anh yêu em như yêu đất nước / Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần” (Nguyễn Đình Thi). Đó là sự hòa nhập giữa cái riêng và cái chung, cá thể và cộng đồng làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn người lính trong chiến đấu: giữ gìn quê hương cũng là để bảo vệ tình yêu trong sáng, thủy chung. Cũng viết về đề tài ấy nhưng ở thơ Quang Dũng sự gắn kết giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước hiện lên thật chân thực, cụ thể. Vẻ đẹp của người con gái cũng là vẻ đẹp của quê hương, gợi biết bao thương nhớ:
“Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương”
(Mắt người Sơn Tây)
  Từ đó mà hiện lên ước mong thanh bình ước mong chiến đấu bảo vệ quê hương, quét sạch bóng thù (“Bao giờ tôi gặp em lần nữa / Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca / Đã hết sắc màu chinh chiến cũ”), cho dù tới lúc đó tình yêu cũng đã chìm vào hư vô, quên lãng (“Còn có bao giờ em nhớ ta?”).
  Một đặc điểm nữa là tình yêu trong thơ Quang Dũng thường gắn với vẻ đẹp trong sáng và cao thượng trong tâm hồn. Nếu như hình ảnh người lính trong thơ ông gắn liền với chất tráng sĩ thì tình yêu trong thơ ông cũng mang tinh thần hiệp sĩ, rất phóng khoáng và không hề đòi hỏi. Ở bài Không đề, Quang Dũng viết về mối tình đầu của mình với một cô gái ở vùng Nghi Tàm - Hà Nội, nơi có hàng ổi chạy dài ven đường:
“Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu...”
  Tình yêu ấy chắc hẳn được khơi nguồn từ một không gian rất lãng mạn (“Những cây ổi thơm ngày ấy”) và một thời gian gợi thương gợi nhớ (“Vầng hoa ngâu mưa thu”). Nhưng đó cũng chỉ là cái cớ rất có duyên để nhà thơ bộc lộ khát vọng bất tử hóa tình yêu:
“Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa”
  Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp, nhất là khi nó diễn ra giữa một trang nam nhi mang chí lớn và một cô gái trẻ trung (“Em tuổi hai mươi / Yêu anh hào hiệp”). Và vì thế người ta càng nâng niu, giữ gìn và mong muốn gửi gắm tình yêu vào cõi bất tử. Nhưng không phải tình đầu nào cũng trở thành hạnh phúc gia đình. Có biết bao hoàn cảnh làm chia lìa đôi lứa. Trong cuộc chia ly, người con trai nhận lỗi về mình:
“Bỏ em, anh đi
Đường hai mươi năm
Dài bao chia ly...”
  Có người nói phải viết là “Bỏ anh, em đi” mới đúng. Nhưng “Bỏ em, anh đi” mới là tâm hồn Quang Dũng, rất nhân hậu và đầy cao thượng. Và khi tình yêu không thành thì cái còn đọng lại là tình người cao đẹp, là cách đối xử với nhau sau tình yêu. Chính tình người mới là cách bất tử hóa tình yêu sâu sắc nhất và đúng đắn nhất: “Giữ trọn tình người cho đẹp”...
  Thơ Quang Dũng viết về tình yêu đôi lứa bàng bạc, nhẹ nhàng nhưng đọng lại rất sâu
trong tâm hồn người đọc. Không có những định nghĩa, triết lý như thơ Xuân Diệu, cũng không phải là những mối tình đầy đau đớn, cách trở như thơ Hàn Mặc Tử. Sức hấp dẫn của thơ tình
  Quang Dũng chính là cái chất chân thực, nhẹ nhàng mà sâu đậm tình người, lãng mạn mà da diết yêu thương mà ông để lại trong thơ. Những thi phẩm như Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Không đề là những bài thơ tình đáng quý, đáng để cho người đọc suy nghĩ mà ông để lại cho đời.
2.2.3. Hình tượng những con người đáng thương
  Giá trị của một tác phẩm văn học là ở chỗ nó nói lên được tiếng nói của đời sống con
người, những khát vọng sống, những ước mơ mang đậm tính người. Trong thơ Quang Dũng không chỉ có tượng đài bất tử về người lính, những con người với vẻ đẹp tâm hồn trong tình yêu mà còn có hình tượng những con người mang nỗi mất mát đau thương, bất hạnh. Đây cũng chính là cái nhìn đậm chất nhân văn về con người của Quang Dũng.

  Vấn đề con người trong thơ Quang Dũng không hẳn đã trở thành một chủ nghĩa nhân
văn với đầy đủ các đặc điểm, tính chất của nó. Tuy nhiên, đọc thơ Quang Dũng, hầu hết  các nhà nghiên cứu đều nhận thấy một chất nhân văn sâu thẳm, hồn hậu, rất Việt Nam. Nhà thơ
  Ngô Quân Miện cho rằng thơ Quang Dũng “có gốc rễ nhân bản sâu xa”. Mai Hương cũng nhận thấy “Thơ Quang Dũng không gân cốt mà thấm thía bởi đó là sự nhắn gửi thiết tha của một tấm lòng nhân hậu, trọng nghĩa tình”.
  Trong rất nhiều tác phẩm của mình, Quang Dũng thể hiện lòng cảm thông với số phận con người trong chiến tranh. Viết về đề tài này, Quang Dũng cho thấy một cái nhìn đa diện và có chiều sâu. Thơ ông không nhiều lắm những tiếng hát, niềm vui. Trái lại nó gợi lên nhiều băn khoăn, thương cảm, có khi là trước một hoàn cảnh éo le:
“Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu
Hàng của em: chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá”
(Quán nước)
  Có khi là trước những cái chết bi thương:
“Mẹ ta em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông”
(Mắt người Sơn Tây)

  Ông chú ý tới nỗi buồn sâu kín trong tâm hồn những người lính tưởng chừng như khô khan nhất. Trong Lính râu ria, Quang Dũng miêu tả hình ảnh người lính với ngoại hình xù xì, oai phong, đầy vẻ chinh phu (Bàn tay như rễ cây / Bộ râu như bàn chải). Nhưng trong tâm hồn người lính có cả một niềm nhớ thương đau đáu, day dứt không nguôi:
“Cô bé năm tháng trời
Tuổi anh vừa ba mươi
Vợ anh giờ này đâu?
Anh mỉm cười rười rượi”
  Anh cũng có người vợ trẻ, đứa con thơ. Và anh nhớ. Nỗi nhớ thương có lẽ là cái phần đời thường nhưng đẹp đẽ nhất trong tâm hồn người lính. Bởi lẽ, người lính ra trận đâu chỉ là con người của ý chí, mệnh lệnh. Họ không phải là “cái máy đánh giặc”, “cũng không hề là những thánh nhân. Họ là những con người với tất cả những gì là cao cả và bất hoàn” (Huỳnh Như Phương (1994), Những tín hiệu mới, Nxb Hội nhà văn, tr. 38). Trong tâm hồn họ có nỗi nhớ, niềm thương, có những phút giây cô độc, thậm chí mệt mỏi. Đã có một thời người ta cho rằng người lính là phải “cao cả”, “anh hùng”. Quan niệm thẩm mỹ lúc bấy giờ không chấp nhận hình tượng người lính yếu đuối, ủy mị, đời thường. Cho nên, Quang Dũng đã thể hiện một bản lĩnh lớn khi dám vượt qua cả những định kiến xã hội đương thời để dám sống thật với lòng mình và dám đưa cái thật, cái đẹp đến với người đọc. Trong muôn vàn số phận của chiến tranh, ông chú ý cả tới những lính giặc bỏ mình lại trên đất nước Việt Nam. Chabbi - Chabbi không phải là một bài thơ hay về ngôn từ, cấu tứ, nhạc điệu nhưng lại là một bài thơ đầy cảm động trong cách cảm nhận về cuộc sống và con người. Có lẽ, hiếm khi nào trong thơ Việt lại có những lời tâm sự dịu dàng và đầy tình cảm như thế dành cho một người lính viễn chinh:
“Chabbi - Chabbi
Tên như một bài thơ rất đẹp
Bằng thứ tiếng nước nào
Chabbi đã nằm dưới mộ
Còn bao giờ trở về với quê hương”
  Viết về kẻ thù xâm lược hầu hết các nhà thơ đều có cách gọi chung: thằng giặc, lũ bay, chúng bay, mày. Quang Dũng lại có cách gọi khác, đầy trìu mến: Anh. Bởi lẽ Chabbi cũng là một thân phận trong chiến tranh. Anh xuất thân từ vùng quê nghèo khó ở Châu Phi, lên đường viễn chinh chỉ vì mong có được đồng lương nhỏ gửi về gia đình. Và anh đã phải đánh đổi bằng cái chết cô độc nơi đất Việt, xa quê hương, không bao giờ gặp lại người mẹ già, em nhỏ:
“Hỡi mẹ nghèo ơi
Thôi cũng đừng mong.
Món tiền lương của Chabbi dành dụm
Đổi bằng xương máu nằm đây
Cái chết đó thật đáng thương!”
  Viết về những số phận trong chiến tranh, thơ Quang Dũng gợi lên nhiều cảm thông hơn là oán trách. Đó là tiếng thơ của một tâm hồn nhân hậu. Nó không thống thiết, đầy căm thù như một số nhà thơ cùng thời mà đau đáu một niềm thương. Quang Dũng cũng không kêu gọi người ta trả thù mà lặng lẽ gợi lên những mảnh đời, để rồi tình thương ngấm sâu vào tiềm thức người đọc trở thành nỗi căm thù và khát khao chiến đấu.
  Chất nhân văn trong thơ Quang Dũng còn thể hiện ở chỗ thơ ông mang nặng những suy tư về cuộc chiến, về lẽ sống và cái chết. Bên cạnh những dòng thơ hào hùng, tráng lệ, Quang Dũng vẫn dành những vần thơ chan chứa yêu thương để nhớ về những người lính đã gửi trọn  tuổi thanh xuân vào chiến trường:
“Anh chửa dừng chân dầu trắng tóc
Vẫn không trang sách đợi hiên nhàn
Anh vẫn đêm đêm đường pháo sáng
Hiểm nghèo từng bước vượt gian nan”
(Những người tóc đã trắng)
 Hình ảnh người lính đầu bạc tóc gợi lên nhiều day dứt. Có những sự hy sinh nhìn thấy được bằng hành động cao cả, bằng ý chí kiên cường nhưng cũng có sự hy sinh thầm lặng mà chỉ có sự trải nghiệm và tình yêu thương của người nghệ sĩ mới nhận ra được. Trong bài thơ dài Đường chiều thứ bảy, Quang Dũng dành rất nhiều suy tư về vợ con những người lính. Người lính ra trận chiến đấu và hy sinh thanh thản nhưng vợ con họ phải sống trong cảnh mòn mỏi đợi chờ:
“Tôi lại gặp
Những người vợ trẻ
Đàn ông đã ngã trên chiến trường
Vất vả nuôi con những ngày kháng chiến
Xót xa thương khóc bao ngày”
  Cũng có người bước đi bước nữa nhưng họ nào giữ được sự thanh thản trong tâm hồn:
“Ai biết được bây giờ
Tâm sự của những người
Ngậm ngùi cất kỹ ảnh chồng
Vào đáy hộp nữ trang,
Bến nước đi thêm một bước...”
  Suy tư về cuộc chiến, đi vào những thân phận của những con người trong chiến tranh là một khám phá mới mẻ mang đậm chất nhân văn của Quang Dũng. Bằng chất nhân bản hồn hậu, rất tự nhiên trong tâm hồn mình, Quang Dũng có lẽ là một trong những người đầu tiên đi sâu vào đề tài này trong thơ Cách mạng. Rất lâu sau Quang Dũng, trong thơ Việt, người đọc mới gặp lại những vần thơ giản dị mà chất chứa về con người của Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Tế Hanh, hay Nguyễn Duy. Chẳng hạn:
“Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”
(Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh)
  Nói như thế để thấy rằng với hình ảnh người lính Tây Tiến hào hùng, lãng mạn, Quang Dũng là một trong những nhà thơ mở đầu cho nền thơ kháng chiến, nhưng ông cũng là người đi tiên phong trong công cuộc giải phóng và đổi mới tư duy thơ hiện đại. Vì thế, người ta đã nói rất nhiều về Tây Tiến, Những làng đi qua, Đường trăng, nhưng có lẽ Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Quán nước, Lính râu ria và những bài thơ đậm tình người khác cũng là những bài thơ đáng quý mà Quang Dũng để lại cho đời. 

Xem thêm bài viết tương tự tại https://khotangkienthuc.edu.vn/bai-viet/the-gioi-nghe-thuat-tho-quang-dung-the-tho-ngon-tu-va-giong-dieu-vp5k1eyu5i