Tiểu luận khoa học quản lý
Chủ đề: Đề xuất giải pháp vận dụng thuyết Z cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm góp phần phát triển kinh tế nước nhà
Lời mở đầu
Quản lý là một trong những hoạt động cơ bản nhất của con người, đây cũng là một hoạt động có tính quyết định, mang tính chất sống còn của các chủ thể tham dự vào các hoạt động xã hội và nhân loại. Quản lý đúng thì dẫ đến thành công, tồn tại, ổn định và phát triển bền vững, còn quản lý sai thì dẫn đến thất bại, suy thoái, lệ thuộc, biến chất và đổ vỡ. Với tầm quan trọng như vậy, Khoa học quản lý đã trở thành đề tài được nhiều người quan tâm, suy ngẫm tổng kết và vận dụng nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nước ta thực hiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khoa học quản lý có lịch sử lâu đời và phong phú với nhiều trường phái khác nhau có thể quy tụ thành hai xu hướng: Một là coi trọng các yếu tố kỹ thuật , kỷ luật, coi nhẹ yếu tố con người; Hai là coi trọng yếu tố con người, coi con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Thuyết Z – phương thức quản lý Nhật Bản, nằm trong xu hướng thứ 2. Thành công “thần kì” về kinh tế của Nhật Bản sau đại chiến thứ II đã khiến các nhà quản lý và khoa học quản lý phương Tây từ chỗ miệt thị đi đến kinh ngạc, sùng bái mô hình và phương pháp quản lý độc đáo đó. Thuyết Z - một trường phái quản lý rất riêng trên cơ sở tiếp thu các tinh hoa quản lý của phương Tây nhưng lại sử dụng và phát huy những yếu tố truyền thống của Nhật Bản. Đại diện cho trường phái quản lý này là William. Ouchi.
Hiểu và áp dụng đúng thuyết Z vào doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả to lớn bất ngờ. Chính vì lí do đó mà em đã chọn đề tài: “Đề xuất giải pháp vận dụng thuyết Z cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm góp phần phát triển kinh tế nước nhà” làm chủ đề tiểu luận của mình
Vì kiến thức là vô tận nên trong quá trình chắc chắn không thể tránh khỏi được sự thiếu sót. Em rất mong cô góp ý để bài làm của em được hoàn chỉnh hơn. Em xin chân thành cảm ơn cô!
I. Khái quát chung
1. Sự ra đời học thuyết Z:
Học thuyết Z được tiến sĩ W.Ouchi đưa ra vào những năm 70 của thế kỉ trước, dựa trên nhiều thực tiến và lí luận. Nó là kết quả của việc nghiên cứu phương thức quản lý trong các doanh nghiệp Nhật Bản từ năm 1973. Ông đã nghiên cứu với tác phẩm “Thuyết Z: Làm thế nào để các doanh nghiệp Mỹ đáp ứng được sự thách đố của Nhật” xuất bản năm 1981. Đây là cơ sở để hợp nhất 2 mặt của tổ chức kinh doanh: Tạo ra lợi nhuận; Đảm bảo cuộc sống của nhân viên, tạo điều kiện thăng tiến và thành công.
Học thuyết Z đã tạo ra nền văn hóa kinh doanh mới gọi là “Nền văn hóa kiểu Z”, chỉ đạo lối ứng xử dựa trên sự gắn bó, lòng trung thành và tin cậy, được cụ thể hóa qua những biểu tượng, nghi lễ, quy tắc... và cả những huyền thoại để truyền đến mội thành viên các giá trị và niềm tin định hướng cho hành động.
2. Nội dung cơ bản của thuyết Z
Khác với thuyết X và Y đi sâu vào bản chất con người. Nó là mô hình đặc biệt kết hợp được các yếu tố kinh tế - văn hóa – xã hội. Ouchi quan tâm đến thái độ lao động của con người và cho rằng thái độ đó phụ thuộc vào cách họ được đối xử trên thực tế. Xuất phát từ gốc rễ văn hóa và tập quán Nhật Bản, thuyết Z cho rằng một mô hình quản lý hiệu quả phải dựa trên việc xây dựng một nền văn hóa kiểu Z cho môi trường bên trong của doanh nghiệp với những nội dung cốt lõi sau đây:
Chế độ làm việc suốt đời theo biên chế ổn định: chế độ này tạo nên sự trung thành, tận tụy cho nhân viên.
Đánh giá và đề bạt các chức vụ quản lý căn cứ vào sự cống hiến lâu dài , trải qua nhiều thử thách tuần tự ở nhiều lĩnh vực khác nhau và từ cấp thấp lên cấp cao.
Đề cao các yếu tố quan hệ con người, quan hệ xã hội trong tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp được đề cao với vai trò dẫn đạo, tấm gương đạo đức và trung thành của người đứng đầu.
Phát triển tinh thần tập thể trong quản lý.
Ra quyết định phải có sự thảo luận, bàn bạc rộng rãi bởi các cấp dưới.
=> Qua nội dung của học thuyết Z ta thấy tuy nó là một học thuyết khá hiện đại và là học thuyết phương Tây nhưng vì nó dựa trên sự quản lý của các doanh nghiệp Nhật Bản nên nó cũng có những đặc điểm tư duy phương Đông. Đầu tiên phải nói đến là người Nhật nói riêng và người phương Đông nói chung rất coi trọng sự trung thành và lòng tự trọng hay cái “tôi” cá nhân. Họ coi trọng điều đó hơn là tiền bạc trong nhiều trường hợp. Người Nhật đã vận dụng được điều đó để đưa vào phương pháp quản trị của mình. Bên cạnh đó người phương Đông thường luôn cố gắng hướng đến sự hòa hợp, trong học thuyết Z ta thấy sự hòa hợp của ba yếu tố đó là năng suất lao động, sự tin cậy và sự khôn khéo trong quan hệ giữa người với người. Đó là những điểm làm nên sự khác biệt cũng như thành công của học thuyết Z.