Phần 1. Mở đầu
1. Trình bày khái quát tính cấp thiết của vấn đề
Lý thuyết cung cầu là một trong những nội dung quan trọng nhất của kinh tế học được xây dựng trên cơ sở của mô hình cung cầu. Mô hình cung cầu là một công cụ đơn giản song rất hữu ích trong phân tích kinh tế. Mô hình cung cầu mô tả sự tương tác giữa người sản xuất và người tiêu dùng để xác định giá và sản lượng sản xuất mua bán trên thị trường. Ngoài ra, mô hình cung cầu còn giúp chúng ta hiểu về tác động của nó đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng, người quản lý kinh tế - xã hội để giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn. Với tất cả các lí do trên đã khiến em chọn đề tài “ Trình bày tổng quan quy luật cung – cầu. Nghiên cứu quy luật này có ý nghĩa như thế nào đối với Nhà doanh nghiệp, người tiêu dùng, người quản lý kinh tế - xã hội”.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Vận dụng kiến thức kinh tế học vi mô để trình bày tổng quan quy luật cung - cầu
- Từ đó nghiên cứu quy luật này có ý nghĩa như thế nào đối với nhà doanh nghiệp, người tiêu dùng, người quản lý kinh tế - xã hội
Phần 2. Phương pháp nghiên cứu
1. Phương pháp thu thập số liệu ( số liệu thứ cấp)
- Giáo trình kinh tế vi mô – đại học Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội
- Báo nhịp sống kinh tế Việt Nam.
- Thời sự chuyển động 24h
2. Phương pháp phân tích
Đề tài sử dụng phương pháp nghị luận để làm rõ vấn đề
Phần 3. Kết quả nghiên cứu thảo luận
1. Lí luận chung về chuyên đề nghiên cứu
1.1, Một số khái niệm
A, Thị trường
=> khái niệm cung và cầu được dùng để chỉ hành vi của con người khi họ tương tác với nhau trên thị trường.
Khái niệm thị trường rất đa dạng, mỗi quan điểm khác nhau, trường phái khác nhau có những cách tiếp cận khác nhau. Gegory Mankiw (2003) lại đưa ra một khái niệm khá đơn giản: “Thị trường là tập hợp của một nhóm người bán và người mua một hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định”. S.Pindyck và Rubinfeld (2005), khái niệm thị trường được hiểu theo nghĩa tương tự: “Thị trường là tập hợp người mua và người bán tác động qua lại lẫn nhau dẫn đến khả năng trao đổi”. Có nhiều quan điểm khác nhau nhìn nhận về thị trường, căn cứ vào những quan điểm đó cũng như dựa trên thực tế chúng ta có thể thống nhất chung một khái niệm về thị trường như sau: “Thị trường là một tập hợp các dàn xếp mà thông qua đó những người bán và người mua tiếp xúc với nhau để trao đổi hàng hóa và dịch vụ”.
Thị trường không nhất thiết phải là một địa điểm cụ thể và bị giới hạn trong một không gian cụ thể mà chính là những thỏa thuận giữa người mua và người bán. Nơi nào có sự thỏa thuận giữa người mua và người bán để mua bán hàng hóa, dịch vụ thì nơi đó có là thị trường. Do đó, thị trường có thể là một quán cà phê, một chợ, một cuộc ký kết hợp đồng mua bán, chợ trái cây, tiệm cắt tóc, quán ăn, một số thị trường lại được vận hành thông qua các trung gian như thị trường chứng khoán, thị trường vô hình như thương mại điện tử (ebay.com)...
B. Cầu
Cầu (D) là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người mua muốn mua và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, các yếu tố khác không đổi.
Vậy, nếu thiếu một trong hai yếu tố muốn mua và có khả năng mua thì sẽ không tồn tại cầu. Muốn mua biểu thị nhu cầu của người tiêu dùng về một hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó. Có khả năng mua biểu thị khả năng thanh toán. Cầu khác nhu cầu, nhu cầu là những mong muốn, sở thích của người tiêu dùng, nhưng có thể không có khả năng thanh toán. Nhu cầu của con người là vô tận. Chẳng hạn một sinh viên tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ muốn vào thành phố Đà Nẵng bằng máy bay để thăm họ hàng nhưng anh ta không có đủ tiền để mua vé máy bay, vì vậy không có cầu của sinh viên này về vé máy bay.
Ngoài ra, khi phân tích cầu của người tiêu dùng nào đó chúng ta phải ứng vào một không gian và thời gian cụ thể. Ví dụ, cầu về phở buổi sáng khác với buổi trưa. Trong thực tế người ta hay nói đến cầu thị trường thay vì cầu cá nhân bởi các hiện tượng kinh tế thường được dự đoán bởi hành vi của một đám đông chứ không phải của một cá thể.
Lượng cầu (QD): là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể mà người mua muốn mua và sẵn sàng mua tại mức giá đã cho trong một khoảng thời gian nhất định. Nhu cầu là những mong muốn, sở thích của người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ, nhưng có thể không có khả năng thanh toán.
Biểu cầu: là bảng chỉ số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng sẵn sàng và có khả năng mua ở các mức khác nhau trong một thời gian nhất định (Ceteris Paribus).
Luật cầu: Số lượng hàng hóa được cầu trong khoảng thời gian đã cho tăng lên khi giá của hàng hóa đó giảm xuống và ngược lại, giả định các yếu tố khác không đổi.